Phải đến năm 2018, Hiệp định TPP mới chính thức có hiệu lực nhưng theo Viện kinh tế quốc tế Peterson, Việt Nam sẽ có thu nhập tăng 13,6% và xuất khẩu tăng đến 31,7%, cao nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP.
Theo đại diện Bộ Công Thương, sở dĩ có được điều này là do so với các nước thành viên TPP, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp nên sẽ được hưởng lợi nhiều trong lĩnh vực hàng hóa, thu hút dịch vụ và đầu tư. Trong đó tăng mạnh nhất có thể là may mặc, da giày, dịch vụ và thủy sản.
Cơ hội rất lớn song hiện tại, các ngành, lĩnh vực đều là những chuỗi cung ứng khép kín, Việt Nam sẽ phải cải thiện rất nhiều nếu không sẽ chỉ được "một miếng nhỏ trên một chiếc bánh lớn".
Kinh tế Việt Nam sẽ phải thay đổi rất nhiều nếu muốn tận dụng tối đá cơ hội mà TPP mang lại
Tiêu biểu như ngành dệt may, hiện 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may Việt Nam là doanh nghiệp may, 17% là dệt, còn kéo sợi, nhuộm, phụ trợ đều dưới 6%.
Như vậy Việt Nam đang rất mạnh ở khâu cuối “cắt - may” nhưng đây lại là khâu có lợi nhuận thấp nhất. Do đó lợi ích sẽ rơi nhiều vào các nhà cung cấp sản phẩm trung gian, phần lớn là từ thị trường của Trung Quốc.
Tương tư như trong ngành bán lẻ, Đại gia BJC của Thái Lan đã mua lại Metro Cash & Carry, tập đoàn Centre Group mua lại 49% cổ phần của Công ty thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart hay BigC cũng nhiều khả năng về tay người Thái. Do vậy dù Thái Lan không là thành viên của TPP nhưng hàng hóa Thái Lan sẽ có cơ hội hưởng lợi từ TPP tại Việt Nam.
Do vậy trong 2 năm tới đây, trước thời điểm TPP chính thức có hiệu lực, kinh tế Việt Nam sẽ phải thay đổi và cải thiện rất nhiều mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ cũng như khai thác tối đa cơ hội TPP mang lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!