Hoãn Olympic Tokyo 2020 là lựa chọn thực tế

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/03/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sự kiện thể thao lớn nhất trong năm Olympic Tokyo sẽ khó để tổ chức trọn vẹn do dịch COVID-19. Rất nhiều áp lực về hậu cần, tài chính đang dồn vào ban tổ chức Nhật Bản.

Áp lực đang đè nặng lên Nhật Bản, mà cụ thể hơn là với Ủy ban Olympic Nhật Bản. Chủ tịch Ủy ban này đã thừa nhận rằng việc hoãn kỳ thế vận hội mùa hè ở Tokyo là một "lựa chọn thực tế" trong lúc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở các châu lục.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yamashita cho biết vẫn có khả năng Olympic Tokyo vẫn được tổ chức vào tháng 7 theo kế hoạch. Nhưng từ góc nhìn của các vận động viên về an toàn và an ninh, Ủy ban này không còn cách nào khác là phải xem xét đến phương án hoãn sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, theo ông Yamashita, thời gian hoãn không nên quá lâu.

Canada và Australia hiện là 2 nước đầu tiên tuyên bố không cử vận động viên tham gia Thế vận hội mùa hè 2020 do lo ngại về các rủi ro từ dịch COVID-19. Họ yêu cầu sự kiện này chuyển sang tổ chức năm sau.

Người dân Nhật bản đã từng rất hào hứng khi nước này giành được quyền đăng cai Thế vận hội. Vì thế, việc Thế vận hội có thể hoãn lại rõ ràng khiến nhiều người cảm thấy hẫng hụt. Tuy nhiên, họ ủng hộ sự cân nhắc này của chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế đã nói rằng "Hoãn 1 kỳ Olympic không đơn giản như việc chuyển 1 trận đấu bóng đá sang ngày khác". Rõ ràng là như vậy, vì để tổ chức một "siêu sự kiện" như Olympic là vô cùng phức tạp và cực kỳ tốn kém. Sự đắt đỏ của các kỳ Olympic có thể thấy ngay qua những số liệu sau:

- Kỳ Olympic gần đây nhất, Olympic Pyeongchang năm 2018, đã tiêu tốn của Hàn Quốc khoảng 12,9 tỷ USD.

- Olympic Sochi năm 2014 là kỳ thế vận hội mùa đông đắt đỏ nhất trong lịch sử, với chi phí lên đến hơn 50 tỷ USD.

- Năm 2012, chi phí dự trù của London cho Olympic là 4,4 tỷ USD nhưng thực tế, số tiền nhảy vọt lên thành gần 14 tỷ USD.

Còn cho tới nay, kỳ thế vận hội mùa hè tốn kém nhất là Olympic Bắc Kinh năm 2008, với số tiền Trung Quốc chi ra là khoảng 44 tỷ USD.

Tokyo dự kiến chi hơn 12 tỷ USD để tổ chức kỳ thế vận hội này. Dự liệu của Tokyo về thiệt hại ra sao nếu bị hoãn?

Theo giáo sư Miyamoto Katsuhiro một nhà chuyên môn về kinh tế thể thao, thuộc đại học Kansai và cũng là người được dư luận Nhật Bản chú ý trong thời gian qua, tính toán nếu trong trường hợp Olympic Tokyo kéo dài 1 năm, thiệt hại về kinh tế sẽ tương đương 5,8 tỷ USD. Còn trong trường hợp bị hủy bỏ, tác động đến kinh tế rất lớn, liên quan tới cả các lĩnh vực như du lịch, văn hóa, tiêu dùng, ước tính thiệt hại tương đương 36,8 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với việc hoãn lại 1 năm.

Còn theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế tổng hợp Daiichi, kể cả trong trường hợp Olympic Tokyo bị hủy bỏ hoặc hoãn lại, GDP 2020 của Nhật Bản sẽ giảm trên 15 tỷ USD. Nếu bao gồm các các ảnh hưởng mang tính hiệu ứng, thiệt hại sẽ mở rộng đến 29 tỷ USD. Hiện tại, Ban tổ chức hay chính quyền Tokyo đều chưa đưa ra con số thiệt hại cụ thể.

Ủy ban Olympic, Chính phủ Nhật Bản và Chính quyền Tokyo đều muốn kéo dài hoạt động thể thao lớn nhất hành tinh này. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm kéo dài đang là vấn đề lớn với ban tổ chức khi bị trùng lặp với hàng loạt các sự kiện thể thao lớn đã được lên kế hoạch nên buộc Ban tổ chức Olympic Tokyo phải điều đình, thậm chí còn phải bồi thường.

Ví dụ, nếu tổ chức vào mùa hè năm 2021, sẽ trùng với giải vô địch bơi lội thế giới được tổ chức tại Nhật Bản và Mỹ, hàng loạt các đài truyền hình và công ty tài trợ đã trả tiền cho sự kiện này.

Nếu mùa hè năm 2022, Olympic sẽ phải cạnh tranh với World Cup và hàng loạt các giải thể thao khác như Thế vận hội Bắc Kinh, Thế vận hội Paris.

Hiện tại, các cuộc thương lượng giữa Ủy ban Olympic với các bên đang diễn ra để chọn được thời điểm lùi Olympic Tokyo nhưng cũng không hề dễ dàng, khi có sự cạnh tranh về lợi ích.

Không ai có thể nói được khi nào dịch bệnh sẽ hết. Đưa ra quyết định hoãn Olympic Tokyo đã khó nhưng lùi sang ngày nào còn là câu hỏi khó giải đáp hơn. Dù sao cũng không thể trì hoãn lâu thêm được, Ủy ban Olympic quốc tế đã tự đặt ra thời hạn 4 tuần để đưa ra quyết định cuối cùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước