Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19

Huệ Anh (Theo Reuters)-Thứ ba, ngày 07/09/2021 13:09 GMT+7

Cứ 2 năm, Mỹ lại có khoảng 5.000 bác sĩ bỏ việc vì kiệt sức (Nguồn: Science News)

VTV.vn - Sự gia tăng các ca nhiễm và tử vong do biến thể Delta đang một lần nữa khiến các nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh căng thẳng kéo dài.

Đầu gối run lên, tim đập nhanh và đôi môi bắt đầu trở nên khô khốc là những triệu chứng của y tá Chris Pott mỗi khi hồi tưởng lại những ký ức đầy ám ảnh về quá trình điều trị cho các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 tại khoa chăm sóc tích cực của Trung tâm y tế Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ. Phản ứng của Christ Pott cũng giống như rất nhiều những cựu binh sĩ Mỹ khác mắc hội chứng rối loạn lo âu hậu sang chấn (PTSD) mà chính anh từng chăm sóc trong nhiều năm.

Sự gia tăng các ca nhiễm và tử vong mới do biến thể Delta đang một lần nữa khiến các nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ như anh Pott đối mặt với nguy cơ mắc chứng bệnh căng thẳng kéo dài – dư chấn tồi tệ nhất trong đại dịch sau khi họ phải điều trị cho những bệnh nhân sắp tử vong vì COVID-19. Thậm chí, ngay từ những làn sóng bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc hội chứng PTSD ở các nhân viên y tế tuyến đầu đã dao động trong khoảng từ 10-50%. "Nếu phải trải qua khoảng thời gian kinh khủng như đại dịch COVID-19, tổn thương tâm lý và lo âu là điều dễ hiểu" – Tiến sĩ William Haseltine chia sẻ.

Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19 - Ảnh 1.

Sự gia tăng các ca nhiễm và tử vong mới do biến thể Delta khiến các nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ đối mặt với nguy cơ mắc hội chứng rối loạn lo âu hậu sang chấn (PTSD) (Nguồn: The Guardian)

Những y bác sĩ này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối diện với Hội chứng PTSD. Dễ gặp ác mộng về những bệnh nhân đang hấp hối, nổi cáu hay hoảng sợ mỗi khi nghe tiếng còi cấp cứu - những biểu hiện này nếu kéo dài trong hơn 1 tháng đồng nghĩa với việc nhân viên y tế đó đã mắc PTSD. Nhất là khi biến thể Delta đang ngày càng gia tăng áp lực lên các hệ thống y tế Mỹ, nỗi lo sợ về chứng rối loạn hậu sang chấn này lại càng lớn.

Hội chứng PTSD thường xuất hiện ở những cựu binh từng tham gia chiến tranh, người dân sau các thảm họa thiên nhiên, lạm dụng hay một số các tổn thương về tâm lý khác. Dù cảm nhận rõ những thay đổi của bản thân khi mắc PTSD, song những người mang hội chứng này rất khó mở lòng chia sẻ câu chuyện của mình. "Tôi mất khoảng thời gian rất dài mới có thể tâm sự với một ai đó về những gì mình đã trải qua. Tôi từng cảm thấy rất tội lỗi" – anh Pott chia sẻ.

Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19 - Ảnh 2.

PTSD thường xuất hiện ở những cựu binh từng tham gia chiến tranh, người dân sau các thảm họa thiên nhiên, lạm dụng hay một số các tổn thương về tâm lý khác (Nguồn: The New York Times)

Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Bessel van der Kolk cho biết, các nhân viên y tế và những cựu binh Mỹ trở về từ Afghanistan thoạt nhìn sẽ chẳng có điểm nào giống nhau, nhưng thực chất, chức năng hệ thần kinh của họ lại hoàn toàn giống nhau.

Hệ luỵ nghiêm trọng của việc mắc Hội chứng PTSD

Lo ngại tình trạng này sẽ ngày càng gia tăng trong các đợt bùng phát dịch mới, Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) đã nhờ đến các chuyên gia tâm lý đánh giá mức độ tác động của đại dịch COVID-19 với các nhân viên y tế. Một cuộc khảo sát được Tiến sĩ Huseyin Bayazit thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của hơn 1.800 nhân viên y tế hồi năm 2020 chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc PTSD là 49,5% đối với các nhân viên y tế thông thường và 36% ở các bác sĩ. Tỷ lệ mang ý định tự tử ở những người này cũng tăng lên khi họ dành nhiều thời gian chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 hơn.

Theo Kaiser Family Foundation, trong năm 2020, cứ 10 người trưởng thành tại Mỹ lại có 4 người gặp các triệu chứng của căn bệnh rối loạn lo âu hoặc trầm cảm - tăng đáng kể so với tỷ lệ 1/10 hồi năm 2019. "Nó giống như một cuộc chiến tâm lý. Chiến tranh kết thúc, nhưng những tổn thương thì còn mãi" - Tiến sĩ William Haseltine nói.

Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19 - Ảnh 3.

Cứ 2 năm, Mỹ lại có khoảng 5.000 bác sĩ bỏ việc vì kiệt sức (Nguồn: Science News)

Theo Tiến sĩ Christine Sinsky, phó chủ tịch AMA, cứ 2 năm, Mỹ lại có khoảng 5.000 bác sĩ bỏ việc vì kiệt sức. Điều này có thể khiến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc y tế thiệt hại khoảng 4,6 tỷ USD sau khi phải tuyển dụng nhân sự mới để lấp đầy các vị trí cũ không người đảm nhận. Kết quả khảo sát hồi tháng 3 cũng cho thấy tình trạng thiếu nhân sự đã tác động lớn đến công tác chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 sau khi nhiều nhân viên y tế kiệt sức và bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.

Rất nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và tư vấn tổn thương tâm lý đang được các hệ thống y tế, trong đó có Mount Sinai của New York và Đại học Rush của Chicago triển khai một cách bảo mật và hoàn toàn miễn phí, trong nỗ lực bảo vệ và điều trị cho các y bác sĩ mắc PTSD. Nhiều cơ sở y tế cũng đề xuất quy định mới về số lượng bệnh nhân tối đa mà mỗi nhân viên y tế có thể đảm nhận. Các biện pháp can thiệp giúp họ nhanh chóng vượt qua hội chứng PTSD cũng sẽ được bệnh viện chi trả toàn bộ.

Nhân viên y tế không phải những người duy nhất mắc hội chứng rối loạn lo âu

Thế nhưng, nhân viên y tế không phải những người duy nhất mắc hội chứng rối loạn lo âu. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng 30% bệnh nhân mắc COVID-19 đều mang di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Mắc COVID-19 thể càng nặng, các rối loạn tâm thần càng nghiêm trọng.

Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19 - Ảnh 4.

30% bệnh nhân mắc COVID-19 đều mang di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh (Nguồn: Reuters)

Một nghiên cứu dựa trên bệnh án của hơn 236.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đăng tải trên tạp chí Lancet Psychiatry hồi tháng 4 cũng cho thấy, có tới 34% bệnh nhân gặp phải các triệu chứng lo âu hoặc các bệnh lý liên quan đến thần kinh trong vòng 6 tháng sau khi họ khỏi bệnh. Mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và các triệu chứng tâm thần như lo âu hay trầm cảm hiện vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, đây là những triệu chứng phổ biến nhất trong số 14 chứng rối loạn mà nhóm nghiên cứu này đã thu thập và phân tích. Các trường hợp đột quỵ, sa sút trí tuệ và rối loạn thần kinh khác hậu COVID-19 là hiếm gặp, dù vậy, vẫn đáng lưu tâm, đặc biệt ở những người từng mắc COVID-19 nặng.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các căn bệnh liên quan đến não và rối loạn tâm thần hậu COVID-19 là khá phổ biến, hơn cả hậu dịch cúm hay các bệnh liên quan đến đường hô hấp" - ông Max Taquet, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Oxford, Anh cho biết.

Hội chứng rối loạn lo âu của các nhân viên y tế Mỹ do COVID-19 - Ảnh 5.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO kêu gọi những người đang chịu đựng các hội chứng tâm lý hậu COVID-19 tìm đến sự trợ giúp y tế (Nguồn: Reuters)

Cho đến nay, "Long COVID-19" - "Hội chứng COVID-19 kéo dài" vẫn là một trong những góc khuất của đại dịch chưa được tìm ra. Tổ chức Y tế Thế giới WHO trước đó cũng kêu gọi những người đang chịu đựng các hội chứng tâm lý hậu COVID-19, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, tìm đến sự trợ giúp y tế. "Hội chứng hậu COVID-19 là điều mà WHO vô cùng lo ngại. Chúng tôi công nhận điều này, vì nó thực sự tồn tại" - bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia y tế cấp cao của WHO cho biết.

Hơn 9.200 nhân viên y tế Mỹ mắc COVID-19 Hơn 9.200 nhân viên y tế Mỹ mắc COVID-19

VTV.vn -Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận 9.282 nhân viên y tế mắc COVID-19 và cho rằng ca nhiễm không triệu chứng là nhân tố khiến virus lây lan nhanh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước