Đông Nam Á ngày càng có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược, địa kinh tế với Washington, trong khi Mỹ hiện cũng là một trong 10 đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Một cuộc họp trực tiếp giữa lãnh đạo các bên được kỳ vọng mở những định hướng mới về hợp tác dài hạn, nâng tầm quan hệ với các sáng kiến cụ thể và thực chất.
Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt tại thủ đô Washington với các lãnh đạo ASEAN. Tổng thống Joe Biden đã gọi sự kiện này là dịp đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hai bên. Tuyên bố Tầm nhìn chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ 2022 đã được đưa ra, một tuyên bố thể hiện tầm nhìn toàn diện, bao trùm, một cam kết mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ trên nhiều khía cạnh như ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh, tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác biển, gìn giữ hòa bình và xây dựng lòng tin. Một nội dung không thể không nhắc đến là cam kết thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị Cấp cao vào tháng 11 tới, một kỳ họp cấp cao đặc biệt mang rất nhiều dấu ấn và ý nghĩa.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương - lợi ích lâu dài mà Mỹ cần tập trung
Mối quan hệ ASEAN và Mỹ bắt đầu từ 45 năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Mỹ được tổ chức tại Thủ đô Washington của Mỹ. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, từ COVID-19 đến bất ổn ở châu Âu, lạm phát gia tăng, nhưng hội nghị vẫn được tổ chức, điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - ASEAN với sự phát triển của mỗi bên.
Một loạt chương trình hợp tác Mỹ - ASEAN đã được Mỹ công bố, đáng kể có chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, trị giá ban đầu 40 triệu USD và sẽ tăng lên tới 2 tỉ USD; chương trình hợp tác hàng hải, kinh tế biển, phát triển nghề cá, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển trị giá 60 triệu USD. Bên cạnh đó là hợp tác về an ninh mạng, kinh tế số, hỗ trợ phát triển sản phẩm sạch, phòng chống COVID-19, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt tại thủ đô Washington với các lãnh đạo ASEAN
Về giáo dục, đáng chú ý là cam kết của trường Joe Hopkins thành lập trung tâm ASEAN và nhận học viên từ ASEAN; hãng Boeing và UPS sẽ nhận những nhân viên đáp ứng yêu cầu sang làm việc tại Mỹ để tăng cường năng lực quản lý.
Ông Greg Poling - Chuyên gia cao cấp, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhìn nhận: "Tổng thống Biden và hầu hết các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ dành ra 2 ngày chỉ để bàn về ASEAN cùng với lãnh đạo 10 nước ASEAN khác đã đến đây, điều đó cho thấy sự ưu tiên của cả hai bên đối với nhau. Với Mỹ, nó đặc biệt cho thấy trong những ngày này, dày đặc thông tin về Nga tại thủ đô Washington, chúng ta cần phải quên nó đi, mà khu vực châu Á - Thái Bình dương mới là lợi ích lâu dài mà Mỹ cần tập trung vào".
Hội nghị lần này đã xác định nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN trong thời gian tới, trên cơ sở Đối thoại và hợp tác ASEAN - Mỹ rất toàn diện, trải rộng trên các lĩnh vực, từ an ninh -chính trị đến kinh tế, thương mại và văn hóa - xã hội. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh thế giới cũng đang trải qua những biến chuyển hết sức phức tạp và khó lường. Ở đây, việc duy trì và thể hiện được vai trò trung tâm của ASEAN trong đối thoại và phối hợp, xử lý các vấn đề ở khu vực, hoặc liên quan lợi ích khu vực là rất quan trọng, cũng là điều ASEAN đã thể hiện trong suốt chặng đường phát triển của mình, cũng như nhấn mạnh trong bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào, qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
ASEAN cung cấp trạng thái cân bằng chiến lược ổn định trong khu vực
Năm 2019 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 34, ASEAN công bố Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nội dung khẳng định mong muốn duy trì sự ổn định khu vực, có quan điểm độc lập, không phụ thuộc bên nào trong cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực và đảm bảo tương lai cho ASEAN. Việc thông qua Tầm nhìn được đánh giá rất quan trọng, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN và trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác sâu sắc hơn, quan trọng hơn là chúng ta cùng nhau nỗ lực để đáp ứng những thách thức đang định hình thế kỷ 21".
Mỹ đang khởi động một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ với ASEAN
Vị trí địa lý đặc thù và quan trọng với giao thương quốc tế, thị trường đông dân và rộng lớn, ASEAN từ lâu trở thành một đối tác quan trọng trong duy trì, đảm bảo sự thịnh vượng, phát triển, xa hơn là hòa bình, an ninh khu vực và thế giới nói chung.
TS. Chheang Vanarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), Campuchia nói: "ASEAN là thể chế khu vực quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và cả sự thịnh vượng của Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với vai trò trung tâm, ASEAN cung cấp trạng thái cân bằng chiến lược ổn định trong khu vực, ASEAN đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình kiến trúc khu vực, đó là mời tất cả các cường quốc đến khu vực này để cùng thảo luận, chia sẻ thịnh vượng, chia sẻ cơ hội".
Khu vực Đông Nam Á luôn là một phần quan trọng trong địa chiến lược của Mỹ, bất kể là "Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương" trước đây hay "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" hiện tại. Mỹ khẳng định luôn coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Các cơ chế khác như Bộ Tứ hay AUKUS được lập ra không nhằm để cạnh tranh hay thách thức vai trò của ASEAN, mà chỉ là để đóng góp cho lợi ích chung trong khu vực.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: "AUKUS bổ sung vào mạng lưới quan hệ đối tác của chúng tôi nhằm hỗ trợ sự ổn định và an ninh trong khu vực. Australia vẫn duy trì những cam kết về trật tự khu vực dựa trên luật lệ, những luật lệ đã tạo nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và là điều mà tất cả các thành viên ASEAN đều lệ thuộc".
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực để hợp tác và phát triển, không phải là "bàn cờ" cạnh tranh giữa các cường quốc. Các nước ASEAN là đối tác để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của khu vực, không phải là một nhân tố tham gia vào các cạnh tranh địa chính trị. Đó cũng là tôn chỉ xuyên suốt trong Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN".
Thành tựu và thách thức trong quan hệ ASEAN - Mỹ
Trong bối cảnh ASEAN - Mỹ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ, cuộc họp trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên ghi nhận nhiều kỳ vọng, một tầm nhìn mang tính định hướng mới cho hợp tác dài hạn, hay cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ, tìm giải pháp cho các thách thức chung. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ vừa diễn ra tại thủ đô Washington D.C., Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng, khẳng định ý nghĩa chiến lược trong mối quan hệ hai bên sau 45 năm hợp tác.
Thủ tướng Australia Scott Morrison: AUKUS bổ sung vào mạng lưới quan hệ đối tác của chúng tôi nhằm hỗ trợ sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Nếu bạn nhìn khắp thế giới với tất cả những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, thì quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ là rất quan trọng, đáp ứng thời điểm lịch sử hiện nay. Chúng tôi đang khởi động một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ".
Nhiều năm qua, Mỹ tham gia, đóng góp tích cực trong các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN chủ trì, cam kết ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng.
Hợp tác kinh tế cũng là điểm sáng. Kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ liên tục tăng trong những năm qua. Ngược lại, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Hợp tác giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển được chú trọng, duy trì, nhất là trong ứng phó COVID-19, phục hồi sau đại dịch, phát triển bền vững.
Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ nói: "Quan hệ đối tác với ASEAN cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng và an ninh của người dân Mỹ. Các chuỗi cung ứng linh hoạt ở Đông Nam Á có lợi cho người tiêu dùng Mỹ. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang chảy, nhiều hàng hóa hơn và tất nhiên là giá cả đi xuống".
Dù vậy, trong một số điểm chưa đồng thuận liên quan vấn đề khu vực, quốc tế, vẫn đòi hỏi ASEAN và Mỹ cần có sự tăng cường bổ sung về lòng tin chiến lược. Việc Mỹ vắng mặt trong các cơ chế đa phương quan trọng của khu vực như CPTPP, RCEP cũng là một rào cản để hai bên siết chặt hơn hợp tác về kinh tế, thương mại và xa hơn thế.
TS. Chheang Vanarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á – Campuchia: "Đó là một thách thức nếu Mỹ không thể cải thiện quan hệ thương mại với Đông Nam Á, thì ảnh hưởng kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Mỹ sẽ suy giảm tương đối so với Trung Quốc. Mỹ cần tìm ra cách họ có thể tham gia vào Đông Nam Á hiệu quả hơn thông qua tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại".
Những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo ra những xung lực quan trọng, giúp đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Mỹ vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Kỳ vọng Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN
Giới phân tích cũng chia sẻ nhiều kỳ vọng về hội nghị cấp cao đặc biệt tại Washington lần này. TS. Andrew Wells-Dang - Chuyên gia Cao cấp Viện Hòa bình Hoa Kỳ nói: "Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra khi thế giới chứng kiến những thay đổi địa chính trị lớn, cùng với đó là khủng hoảng kinh tế, lương thực. Việc Mỹ và ASEAN đồng ý tiến tới hội nghị thượng đỉnh cho thấy sự tham gia này vẫn đang tiếp tục ngay cả trong tình hình quốc tế đầy thách thức. Tất cả các thành viên ASEAN và Hoa Kỳ đều đồng ý rằng, ASEAN là thể chế khu vực hàng đầu liên kết Ấn Độ Dương với Nam Thái Bình Dương và Đông Á. Và điều này bao gồm các cơ quan đa phương có trụ sở tại ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN".
Ông Greg Poling - Chuyên gia cao cấp, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ: "Nhiều dấu hiệu cho thấy sự quan tâm lớn của cả Mỹ và ASEAN về các vấn đề lớn đã kéo hai bên lại với nhau, cho dù Mỹ và ASEAN vẫn có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về một số vấn đề toàn cầu hiện nay như trật tự thế giới, Trung Quốc, sự hồi phục sau COVID-19 và sự phục hồi kinh tế nói chung. Tất cả những lĩnh vực này sẽ vẽ nên một bức tranh tổng thể trong mối quan hệ Mỹ và ASEAN, cùng với các đối tác khác của Mỹ, như nhóm Bộ Tứ hay Liên minh châu Âu".
Theo Giáo sư Gordon Flake - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Perth Mỹ - Châu Á, Đại học Tây Australia: "ASEAN luôn được đánh giá là cơ chế đóng vai trò trung tâm. Các thành viên của ASEAN tạo nên nền kinh tế lớn và năng động hàng đầu thế giới. Cho dù là Bộ Tứ hay chiến lược rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính sách của Mỹ đối với khu vực hay trong chính sách của Mỹ đối với các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các tổ chức khác, đều đặt ASEAN vào vị trí trung tâm bằng nhiều cách khác nhau. Mỹ không chỉ mong muốn mà cần phải thúc đẩy quan hệ với ASEAN và tôi rất vui khi hội nghị thượng đỉnh đã chuyển động theo hướng này".
Trước tình hình thế giới nhiều biến động, yêu cầu về hòa bình, hợp tác, phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế càng cấp thiết. Khu vực và thế giới nhiều biến động, càng đòi hỏi ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên, phải phát huy hơn nữa vai trò trung tâm. Tầm nhìn dài hạn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN - Mỹ mà các bên vừa cam kết thiết lập cũng sẽ không nằm ngoài yêu cầu này. Việc Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN một cách mạnh mẽ hơn, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng mạnh hơn, cũng là một nội dung quan trọng để sự hợp tác, phối hợp thêm hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!