Hôm nay (7/11), Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu - gọi tắt là COP22 sẽ khai mạc tại Marakech, Marocco.
Hội nghị năm nay tổ chức trong bối cảnh 195 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua Thoả thuận Paris về khí hậu tại COP21. Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.
COP22 kéo dài 11 ngày sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, chuẩn bị để thực hiện Thỏa thuận Paris; thúc đẩy dòng tài chính toàn cầu dành cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển.
Đoàn Việt Nam tham gia hội nghị lần này tại Marocco với trưởng đoàn kỹ thuật là ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng Ban thường trực Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu.
Theo ông Phạm Văn Tấn, tại COP22, được cho là COP của hành động, nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris. COP22 sẽ tập trung làm rõ đóng góp do quốc gia tự quyết định, đặc biệt là đóng góp về tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. COP22 cũng sẽ thống nhất thước đo chung để đánh giá được đóng góp của các quốc gia vì hiện nay, dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định giữa các nước rất khác nhau.
Việt Nam là một trong những nước có kế hoạch chi tiết để triển khai thỏa thuận đến năm 2030. Bên cạnh việc phê duyệt thỏa thuận Paris, trong suốt năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các bộ các ngành, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thỏa thuận đến năm 2030. Việc Việt Nam phê duyệt kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris ngày 28/10/2016 hết sức kịp thời để thể hiện hành động cụ thể của Việt Nam. Đây sẽ là điểm nhấn của Việt Nam tại COP 22.
Với sự chủ động này, Việt Nam có thể đóng góp được nhiều sáng kiến và đề xuất cho Hội nghị COP 22 để cắt giảm phát thải khí Carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!