Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất giới hạn tăng nhiệt 1,5°C

Chuyển động 24/TTXVN-Thứ hai, ngày 01/11/2021 11:59 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã ra Tuyên bố chung về kết quả cụ thể trên 3 chủ đề trọng tâm. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc vào ngày 31/10 với một thỏa thuận về khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã ghi nhận bước tiến “lịch sử” khi các nước G20 đều thể hiện sự ủng hộ “rộng rãi và xuyên suốt” về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Hội nghị ra Tuyên bố chung nêu bật những kết quả cụ thể đạt được trên 3 chủ đề trọng tâm.

Trên lĩnh vực y tế, Tuyên bố khẳng định, tiêm chủng vaccine là một trong những biện pháp quan trọng nhất chống lại đại dịch COVID-19, tái khẳng định quyết tâm mở rộng quy mô miễn dịch để mang lại lợi ích chung trên toàn cầu. Các nước G20 nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận kịp thời, bình đẳng và bao trùm đối với các loại vaccine COVID-19, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho các nước thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022 được các nhà lãnh đạo G20 cam kết phấn đấu đạt được với sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Y tế các nước thành viên.

Liên quan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quốc gia thành viên G20 tái khẳng định sự ủng hộ đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhất trí sẽ khống chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

G20 cho biết, mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp là có thể đạt được. Tuy nhiên, dự thảo của G20 không đặt ra thời hạn rõ ràng cho việc đưa mức phát thải ròng về 0, chỉ đề cập là vào "khoảng giữa thế kỷ này". Theo các chuyên gia, thế giới phải giảm một nửa lượng khí thải trong vòng 10 năm tới để có thể đạt được các mục tiêu trên vào năm 2050.

Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất giới hạn tăng nhiệt 1,5°C - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy. (Ảnh: AP)

Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới.

Các nước G20 khẳng định nỗ lực huy động 100 tỷ USD/năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển; tích cực huy động các nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh, bền vững và bao trùm, sớm chấm dứt việc tài trợ cho việc sản xuất điện từ than.

Trên lĩnh vực kinh tế, Tuyên bố nhận định, kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi nhưng còn khá chênh lệch giữa các nước và tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Hội nghị ghi nhận bước tiến "lịch sử" khi các nước G20 đều thể hiện sự ủng hộ "rộng rãi và xuyên suốt" về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Được thông qua sau nhiều năm đàm phán, chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến những "gã khổng lồ" về công nghệ trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước.

Bên cạnh những chủ đề đa phương, một số thỏa thuận song phương cũng đã đạt được giữa các bên tham dự hội nghị. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về dỡ bỏ việc áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của nhau.

Ngoài ra, hội nghị còn là nơi góp phần giải tỏa tình trạng căng thẳng nổi lên trong một số cặp quan hệ như giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU hay giữa Pháp với Mỹ và Anh.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20: Thúc đẩy mục tiêu bao phủ vaccine toàn cầu Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20: Thúc đẩy mục tiêu bao phủ vaccine toàn cầu

VTV.vn - Hôm nay (30/10, Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 đã được khai mạc tại Rome, Italy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước