Kinh tế thế giới kỳ vọng thoát khỏi "bóng ma khủng hoảng" từ Hội nghị Thượng đỉnh G20

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 22/11/2020 12:51 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị Thượng đỉnh G20 đặt ra nhiệm vụ đi tìm giải pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi bóng ma của khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Saudi Arabia trong các ngày 21 - 22/11/2020. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch COVID-19, thương mại - đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật lộn chống đỡ với dịch COVID-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trong vòng 1 năm qua. Liên Hợp Quốc cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 sẽ kéo dài và dai dẳng hơn cả cuộc khủng hoảng y tế.

Chủ đề của G20 năm 2020 là "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân", với 3 trọng tâm chính gồm: trao quyền cho người dân; bảo vệ hành tinh; định hình các lĩnh vực mới. Dịch COVID-19 đã tác động nhiều đến chương trình nghị sự của G20 trong năm 2020.

Kinh tế thế giới kỳ vọng thoát khỏi bóng ma khủng hoảng từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 - Ảnh 1.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức theo hình thức trực tuyến (Ảnh: TTXVN)

Một số nội dung Saudi Arabia ưu tiên thúc đẩy gồm: thúc đẩy các biện pháp phục hồi sau đai dịch COVID-19; xây dựng gói ứng phó COVID-19 của G20 trị giá 21 tỷ USD; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nước kém phát triển; xây dựng các đô thị thông minh; tăng cường kết nối, đẩy nhanh phổ cập internet trên toàn cầu; bảo đảm an ninh lương thực và duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19.

Năm nay, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN.

Những kỳ vọng về G20

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU). Diễn đàn thành lập vào tháng 9/1999, hiện chiếm hơn 85% nền kinh tế thế giới và 2/3 dân số thế giới. Nhiệm vụ chính của nhóm là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng cởi mở giữa các quốc gia về các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

G20 có nhiều công cụ thể để gia tăng sự ổn định tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển của châu Á. G20 có thể mở rộng các dòng hoán đổi tiền tệ song phương, mở rộng sáng kiến xóa nợ, cung cấp các khoản vay dự phòng song phương và tăng cường nguồn lực của IMF và các ngân hàng phát triển.

Kinh tế thế giới kỳ vọng thoát khỏi bóng ma khủng hoảng từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Ảnh: TTXVN)

Hiện tại, các nước đang phát triển ở châu Á nhận được số tiền tương đương 39% chi tiêu cho COVID-19 của họ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của các tổ chức tài chính này đối với khu vực. Tăng cường nguồn lực và đảm đáp ứng nhu cầu của các thành viên là những bước thiết thực mà G20 có thể thực hiện để thúc đẩy không gian tài chính tại châu Á.

Trong báo cáo công bố tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á sẽ suy giảm 2,2% trong năm nay, sâu hơn so với mức suy giảm suy giảm 1,6% đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Nhiều nền kinh tế châu Á có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu ớt, đóng cửa biên giới, và căng thẳng Mỹ-Trung đã làm suy giảm triển vọng về một sự hồi phục kinh tế do thương mại dẫn đầu.

Chính điều này lại càng đặt ra yêu cầu đòi hỏi tại G20 lần này sẽ đem tới một cam kết về mặt chính trị về tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu - điều mà các nước châu Á đang rất cần lúc này.

Cơ chế nòng cốt giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu

Trong một cuộc khảo sát về những thách thức mà Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này cần tập trung giải quyết, 40% số người được hỏi kỳ vọng G20 tập trung vào xóa bỏ COVID-19, 23% thì muốn phục hồi kinh tế toàn cầu, rồi sau đó mới là chống khủng bố và trao quyền cho phụ nữ.

Trong năm nay, G20 đã chi 11 nghìn tỷ USD để hỗ trợ kinh tế phục hồi, hoãn nợ cho các nước nghèo nhất, cũng như đóng góp hơn 21 tỷ USD tài trợ cho các công tác chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển vaccine, điều trị COVID-19.

Nhìn lại lịch sử, G20 đều cho thấy vai trò của mình các cuộc khủng hoảng. Ra đời vào cuối năm 1999 giữa cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á (1997-1998), G20 khi đó là cuộc họp của các Bộ trưởng, thống đống ngân hàng, đã thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng cởi mở giữa các nền công nghiệp chủ chốt và các thị trường mới nổi về chính sách nhằm hướng tới ổn định nền kinh tế thế giới lúc đó.

Hay như 10 năm sau, vào năm 2008 - 2009, khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, G20 đã mở rộng thành diễn đàn của lãnh đạo các quốc gia, thông qua tuyên bố chung khẳng định cam kết ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó khủng hoảng. Bằng cách góp phần vào việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế, tạo điều kiện đối thoại về các chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế và các cơ quan tài chính quốc tế, G20 đã góp phần quan trọng vực dậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với COVID-19, chu kỳ 10 năm một cuộc khủng hoảng đang quay trở lại. Nhưng cuộc khủng hoảng kép về y tế, kinh tế này còn tồi tệ hơn rất nhiều so với hai cuộc khủng hoảng 1999 và 2009. Áp lực đối với các nước G20 sẽ càng lớn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước