Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tham gia cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở Savelletri, Italy, ngày 14/6 (Ảnh: AFP)
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc vào chiều 13/6 (theo giờ địa phương) tại Borgo Egnazia - khu nghỉ dưỡng gần thị trấn Fasano ở miền Nam Italy.
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có sự tham dự của lãnh đạo các nước như Canada, Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng như các nhà lãnh đạo của Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu.
Lãnh đạo các nước khác cũng được mời tham dự gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ngoài ra, danh sách khách mời còn có một số lãnh đạo châu Phi gồm Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune, Tổng thống Kenya William Ruto và Tổng thống Tunisia Kais Saied.
Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước phiên làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng, châu Phi - Địa Trung Hải, ngày 14/6 (Ảnh: AFP)
Giáo hoàng Francis cũng có mặt tại Hội nghị lần này, đánh dấu lần đầu tiên một giáo hoàng tham dự Hội nghị thượng đỉnh của G7. Dự kiến, Giáo hoàng Francis sẽ có bài phát biểu vào ngày 14/6 về những hứa hẹn và rủi ro mà trí tuệ Nhân tạo (AI) đem lại, đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới.
Nội dung ngày họp hôm nay (14/6) chuyển trọng tâm sang Trung Quốc và sự tham gia ngày càng gia tăng của nước này vào nền kinh tế thế giới cũng như những vấn đề địa chính trị khác.
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề nhập cư, tiếp đến là phiên họp đặc biệt về trí tuệ nhân tạo với sự tham gia lần đầu tiên của Giáo Hoàng Francis.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu, năm nay, Thượng đỉnh G7 còn có sự góp mặt của lãnh đạo một số quốc gia không phải thành viên, đáng chú ý có Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi. Sự hiện diện của ông Modi được coi là cầu nối giữa G7 với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, đặc biệt là phía Nam bán cầu. Nó cũng phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của New Delhi trên trường quốc tế. Ấn Độ hiện đang có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!