Hơn 110,7 triệu người mắc trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới với trên 28,5 triệu ca mắc và 504.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận gần 49.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng hơn 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm 156.100 trường hợp thiệt mạng. Ngày 18/2, Ấn Độ báo cáo 12.500 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 51.300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 10 triệu trường hợp. Đến nay, trên 243.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Nga hiện đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với trên 4,1 triệu ca mắc và 81.900 người thiệt mạng vì COVID-19. Ngày 18/2, Nga có thêm hơn 13.400 người nhiễm bệnh.
Ngày 18/2, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 25 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ngày có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm hơn 2.700 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận trên 274.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.030 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 18/2, Malaysia ghi nhận số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất. (Ảnh: AP)
Indonesia ghi nhận thêm 181 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người mắc COVID-19 không qua khỏi ở nước này lên hơn 33.900 trường hợp. Với hơn 9.000 ca mắc mới trong ngày 18/2, hiện tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này là trên 1,2 triệu người.
Indonesia đã khởi động giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 cho người dân. Tại Jakarta, Indonesia, người dân nào không chịu tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị phạt khoảng hơn 8 triệu đồng. Trước đó, Indonesia đã ra quyết định, bất kỳ ai không chịu tiêm phòng COVID-19 có thể không được nhận hỗ trợ xã hội hay các dịch vụ của Chính phủ hoặc phải nộp phạt. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân ở nước này trong vòng 15 tháng. Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ có 37% trong tổng số hơn 1.200 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng COVID-19, 40% chưa có quyết định và 17% cho biết sẽ từ chối tiêm phòng.
Campuchia đã tăng mức phạt đối với những người vi phạm về quy định kiểm dịch COVID-19. Theo đó, những người trốn cách ly, người không hợp tác với cán bộ y tế để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sẽ bị phạt từ 1 - 5 triệu Riel (từ 5,7 - 28,7 triệu đồng). Những người chủ mưu, cầm đầu, hướng dẫn, xúi giục, cố ý tạo điều kiện cho đối tượng cách ly bỏ trốn, các cơ sở y tế tư nhân che giấu bệnh nhân bỏ trốn cách ly không thông báo với Bộ Y tế sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu Riel (lên đến 287 triệu đồng). Mức phạt sẽ tăng gấp đôi đối với người tái phạm.
Khoảng một nửa dân số Nam Phi có thể đã mắc COVID-19. Đây là con số vừa được nước này công bố vào ngày 18/2. Sự xuất hiện của virus biến thể tại Nam Phi có khả năng kháng miễn dịch và lây lan nhanh hơn đã khiến tình hình dịch tại nước này trở nên tồi tệ.
Một nửa dân số Nam Phi có thể đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Hãng dược Pfizer của Mỹ thậm chí còn cho biết, virus biến thể này có thể làm giảm 2/3 khả năng bảo vệ của vaccine do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế. Hiện các công ty này đang thảo luận với nhà chức trách về việc phát triển phiên bản cập nhật của vaccine hoặc tiêm tăng cường nếu cần. Tính tới lúc này, số ca tử vong do COVID-19 tại đây đã là hơn 48.000 người.
Trong khi đó, công ty dược phẩm Celltrion của Hàn Quốc thông báo, thuốc điều trị COVID-19 của công ty này (CT-P59) có khả năng vô hiệu hóa thành công biến thể virus từ Anh cùng với 6 biến thể đã được xác định trước đó. Thuốc CT-P59 đã được cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp phép sử dụng vào đầu tháng 2/2021, trở thành loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc. Thuốc bắt đầu được cung cấp cho các cơ sở y tế địa phương và người dân được điều trị với thuốc hoàn toàn miễn phí. Đối tượng sử dụng CT-P59 là các bệnh nhân mắc COVID-19 không cần thở máy trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng nhiễm bệnh, người mắc bệnh trên 60 tuổi, bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp và bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi.
Nếu tiếp tục lây lan như cháy rừng, virus SARS-CoV-2 sẽ đột biến liên tục. Các chủng mới xuất hiện sẽ dễ lây nhiễm, gây tử vong nhiều hơn và có thể đe dọa tới hiệu quả của các loại vaccine hiện nay. Đây là phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres trong phiên họp trực tuyến đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chính vì sự nguy cấp này, Liên Hợp Quốc kêu gọi nỗ lực hợp tác toàn cầu để tiêm chủng vaccine COVID-19. Ông Guterres cảnh báo, cho tới nay, mới chỉ 10 quốc gia sở hữu 75% số liều vaccine COVID-19 hiện có của thế giới và 130 nước vẫn chưa có vaccine. Vì thế, thế giới cần gấp một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu, tập hợp tất cả những bên có chuyên môn khoa học, năng lực sản xuất và tài chính để thực hiện chiến lược này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!