Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: Time
Tại khu vực châu Á, Thái Lan ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 26.108 ca, trong đó 84 ca tử vong. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 100 ca. Nội các nước này đã thông qua việc mở lại 3 trạm kiểm soát biên giới nối Thái Lan với Lào, gồm Pak Saeng ở tỉnh Ubon Ratchathani, Chiang Khan ở tỉnh Loei và Hai Soke ở tỉnh Nong Khai, vốn bị đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 kể từ đợt bùng phát đầu tiên hồi năm ngoái.
Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết nước này tiếp tục không có ca mắc mới. Hiện cơ quan chức năng Lào đang cách ly tập trung 2.212 người tại 31 cơ sở trên cả nước. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận 45 ca nhiễm, trong đó 42 bệnh nhân đã bình phục.
Tại Campuchia, hơn 10.000 người dân ở thủ đô Phnom Penh đã được cách ly và điều trị trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và những địa điểm có liên quan đến "Sự cố cộng đồng ngày 20/2" tiếp tục tăng lên từng ngày. Chính quyền Phnom Penh cũng thông báo đã bắt đầu chương trình cứu trợ khẩn cấp cho những trường hợp không thể mưu sinh và hỗ trợ gia đình mình trong thời gian cách ly 14 ngày. Tính đến sáng 3/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 878, trong đó 34 ca mới phát hiện đều có liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2".
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho binh sĩ tại Marikina, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tình hình dịch bệnh tại Philippines tiếp tục diễn biến phức tạp khi nước này ngày 3/3 ghi nhận 1.783 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 582.223 ca. Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 12.389 người, sau khi ghi nhận thêm 20 ca tử vong.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành rà soát biện pháp phòng dịch COVID-19 tại hơn 11.900 cơ sở sản xuất và ký túc xá có 5 người nước ngoài trở lên trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện địa điểm có rủi ro lây nhiễm cao, nhóm sẽ lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm. Cơ sở nào không đồng ý rà soát, hoặc có rủi ro lây nhiễm cao, sẽ bị thông báo tới chính quyền địa phương để xử phạt hành chính.
Thống đốc 4 tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô ở Nhật Bản đang cân nhắc đề nghị Thủ tướng Suga Yoshihide gia hạn tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở khu vực thêm 2 tuần. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ nhóm họp vào ngày 5/3 để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Australia sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới quốc gia ít nhất thêm 3 tháng nữa, tới hết ngày 17/6, trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn chưa được kiểm soát và nước này mới bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên trong lộ trình tiêm vaccine phòng ngừa. Lệnh đóng cửa biên giới quốc gia ở Australia theo kế hoạch ban đầu sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/3, đúng một năm kể từ khi biện pháp này được thực hiện lần đầu tiên nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Các nữ y tá chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Anh - Ảnh: Reuters
Tại khu vực châu Âu, số người phải nhập viện vì COVID-19 trong 24 giờ qua tại Ukraine đã tăng ở mức cao kỷ lục với 3.486 người, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này cũng vẫn duy trì ở mức cao. Theo Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov, Ukraine có thêm 7.235 ca nhiễm mới và 185 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.364.705 ca và 26.397 ca.
Nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Czech đã yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các công ty. Theo đó, từ ngày 3/3, các công ty sử dụng trên 250 lao động sẽ phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên và hoàn thành đợt xét nghiệm đầu tiên trước ngày 12/3. Các công ty trên 50 nhân viên hoàn thành trước ngày 15/3. Vi phạm quy định trên có thể chịu mức phạt lên tới 500.000 korun (khoảng 23.000 USD).
Bộ Y tế Slovakia thông báo, từ ngày 3/3 bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này đang chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Theo sắc lệnh của chính phủ, người dân Slovakia sẽ không được phép đi ra ngoài trong thời gian lệnh giới nghiêm được áp đặt. Người dân được yêu cầu ở trong nhà vào ban ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ như đi khám bệnh, đi làm, đi dạo. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 19/3 và có thể được gia hạn tùy theo tình hình dịch bệnh.
Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang cân nhắc khôi phục hoạt động bình thường bằng cách nới lỏng từng phần các biện pháp phòng dịch.
Ở châu Mỹ, người đứng đầu Cơ quan Y tế cộng đồng của Canada, bà Theresa Tam, cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 mới đang bắt đầu tăng trở lại tại quốc gia Bắc Mỹ này sau một tháng có xu hướng giảm. Tính đến 19h ngày 2/3 (giờ địa phương), Canada đã xác nhận 872.747 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 22.045 người đã tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!