Hơn 125,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 30,7 triệu ca mắc và hơn 559.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 46.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ công bố mục tiêu bổ sung là đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Mục tiêu mới được đưa ra sau khi Mỹ đạt được mục tiêu ban đầu của Tổng thống Biden là 100 triệu lượt tiêm vaccine hôm 19/3 vừa qua, ngày thứ 59 tại vị của Tổng thống. Theo hãng NBC News, sau khi triển khai chậm hơn dự kiến dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, trung bình khoảng 2,5 triệu liều vaccine mỗi ngày. Điều này cho phép nước Mỹ đạt 205 triệu liều vaccine trong vòng 5 tuần tới với kỳ vọng dự kiến vào ngày 23/4, trước thời điểm 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Biden.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 12,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 301.000 trường hợp tử vong. Ngày 25/3, Brazil không ghi nhận bệnh nhân nhiễm mới.
Với hơn 301.000 ca tử vong do dịch COVID-19, quốc gia lớn nhất Mỹ Latin này trở thành tâm dịch của toàn cầu. Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Brazil chỉ đứng sau Mỹ. Trung bình cứ 4 ca tử vong trên toàn cầu thì có 1 ca ở Brazil. Dịch COVID-19 ở Brazil đang bước vào giai đoạn tồi tệ nhất do sự xuất hiện của các biến thể virus mới, thiếu các biện pháp y tế cộng đồng và chậm triển khai tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil cam kết đặt mục tiêu mỗi ngày tiêm chủng 1 triệu liều vaccine COVID-19, nhưng cảnh báo người dân cần tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và đi tiêm phòng.
Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Brazil chỉ đứng sau Mỹ. (Ảnh: AP)
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo hơn 59.000 ca mắc mới, mức tăng trong ngày cao nhất trong 5 tháng qua, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên trên 11,8 triệu trường hợp. Đến nay, gần 161.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Ngày 25/3, giới chức Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thị trấn thuộc bang Maharashtra, miền Tây nước này. Theo các quan chức y tế Ấn Độ, số ca nhiễm mới gia tăng ở một vài bang của nước này kể từ cuối tháng 2, sau khi Ấn Độ gần như mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Hơn một nửa trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận ở bang Maharashtra khi hàng triệu người lao động trở lại làm việc trong các nhà máy và văn phòng. Ngoài ra, bang Maharashtra cũng ghi nhận một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 gọi là "đột biến kép".
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất vaccine COVID-19 ở châu Âu trong bối cảnh EU đang thiếu nguồn cung vaccine, chương trình tiêm chủng tụt hậu so với nhiều khu vực khác. Châu Âu cần tự chủ hơn về nguồn cung, đảm bảo đủ lượng vaccine cần thiết trong EU. Bà Merkel cũng kêu gọi Quốc hội nước này nhanh chóng phê duyệt Quỹ Tái thiết châu Âu để viện trợ cho các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19.
Bỉ sẽ đóng cửa trường học, các cửa hàng bán đồ không thiết yếu và tiệm cắt tóc trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 27/3 tới. Động thái này nằm trong khuôn khổ lệnh phong tỏa chặt chẽ mới được nối lại nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang gia tăng ở nước này. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở Anh đang lây lan ở Bỉ, khiến số bệnh nhân nhập viện tăng gấp đôi.
Lệnh phong tỏa yêu cầu các trường học đóng cửa từ ngày 29/3, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, và mở cửa trở lại vào ngày 19/4. Lệnh giới nghiêm buổi tối vẫn có hiệu lực từ 22h ở Brussels và từ nửa đêm ở những nơi khác. Theo quy định mới, số người tối đa được phép tụ tập ở nơi công cộng sẽ giảm từ 10 hiện nay xuống còn 4 người. Đến nay, Bỉ ghi nhận tổng cộng hơn 22.000 người tử vong trong số trên 849.000 ca mắc COVID-19, khiến nước này nằm trong số những nước có tỉ lệ tử vong tính theo đầu người cao nhất thế giới.
Ngày 25/3, Philippines ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục. (Ảnh: AP)
Phần Lan và Iceland đã cho phép nối lại việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca để tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi sau thời gian tạm ngừng để xem xét về tác dụng phụ của vaccine.
Cơ quan Y tế Phần Lan khẳng định, việc tiêm chủng vaccine của AstraZeneca không làm gia tăng nguy cơ đông máu ở nhóm người trên 65 tuổi. Vì vậy, các cơ quan y tế tại Phần Lan có thể tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca cho nhóm tuổi này. Trong khi đó, Iceland cũng thông báo nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca với nhóm người trên 70 tuổi tại quốc gia này.
Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu khẳng định, vaccine này an toàn và hiệu quả. Nhiều quốc gia châu Âu nhanh chóng nối lại việc sử dụng vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó, các quốc gia Tây Bắc Âu quyết định kiểm nghiệm thêm.
Ngày 25/3, Campuchia ghi nhận thêm 55 ca dương tính mới lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có đến 50 trường hợp tại thủ đô Phnom Penh, bao gồm 1 người Việt Nam. Thủ đô Phnom Penh đã đóng cửa một loạt địa điểm liên quan đến người nhiễm COVID-19. Quy định ở nơi công cộng có từ hai người trở lên, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang sẽ được thực hiện nghiêm tại thủ đô Phnom Penh, nếu không sẽ bị phạt từ 50 đến 250 USD.
Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, Campuchia có thể thiệt hại khoảng 250 triệu USD vì sự cố lây nhiễm cộng đồng lần này. Đây cũng là số ca lây nhiễm cao nhất tại Phnom Penh từ khi xảy ra "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2".
Cùng ngày, Philippines ghi nhận kỷ lục lây nhiễm COVID-19 với gần 8.800 trường hợp mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1/2020. Tính tới nay, tổng cộng có hơn 693.000 ca nhiễm và trên 13.000 người tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này.
Philippines đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Hiện nước này đã cấp phép sử dụng các loại vaccine của công ty dược phẩm Sinovac (Trung Quốc), Pfizer (Mỹ), AstraZeneca (Anh) và vaccine Sputnik V (Nga)... Mục tiêu là tiêm chủng cho 70 triệu người dân Philippines trong năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế, người lớn tuổi và cộng đồng dân cư nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!