Đã có trên 21 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới. (Ảnh: AP)
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, Mỹ dã ghi nhận trên 5,4 triệu ca nhiễm COVID-19, gần 170.000 người tử vong. Tổng cộng hơn 42.100 người đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này trong 24 giờ qua.
Tại tâm dịch lớn thứ hai thế giới Brazil, số ca mắc COVID-19 mới đã tăng mạnh với hơn 54.400 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên trên 3,2 triệu trường hợp. Đã có trên 105.400 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này.
Số ca mắc nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được ghi nhận tại Ấn Độ trong ngày qua vẫn cao nhất thế giới với hơn 64.100 trường hợp. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ là trên 2,4 triệu trường hợp, trong đó hơn 48.100 bệnh nhân đã không qua khỏi.
Ấn Độ hiện vẫn ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)
Như vậy, trong 1 tuần qua, trung bình Ấn Độ ghi nhận ít nhất 58.000 ca nhiễm mỗi ngày. Đây là tốc độ lây nhiễm cao nhất trên thế giới, mặc dù nước này xếp thứ ba về tổng số ca COVID-19, sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, điều lạc quan là tỷ lệ tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ đã tiếp tục giảm xuống còn 1,98%. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, hơn 70% trường hợp tử vong là do có sẵn bệnh lý nền. Bên cạnh đó, Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo, trong ngày 12/8, Ấn Độ đã tiến hành tới 830.391 lượt xét nghiệm COVID-19, mức cao nhất trong một ngày. Đến nay, nước này đã thực hiện tổng cộng hơn 2,68 triệu lượt xét nghiệm.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 13/8 thông báo đã ghi nhận thêm trên 4.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 1.403 ca bình phục và 23 ca tử vong. DOH nêu rõ, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đến nay đã lên tới trên 147.500 ca, trong đó hơn 2.400 người đã tử vong. Philippines hiện là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Indonesia đã ghi nhận gần 2.100 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại nước này lên trên trên 132.800 người. Với 65 ca tử vong mới, tổng số người tử vong tại Indonesia hiện tăng lên tới gần 6.000 bệnh nhân.
Người dân Indonesia đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn phòng COVID-19. (Ảnh: AP)
Ngày 13/8, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận 69 ca nhiễm mới, trong đó có tới 65 ca lây truyền trong cộng đồng. Nhà chức trách địa phương cảnh báo, trung tâm tài chính toàn cầu này vẫn phải đối mặt với giai đoạn rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh.
Tại châu Âu, Chính phủ Italy đã quyết định tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với tất cả những người trở về từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta và Croatia sau khi nước này ghi nhận một số ca nhiễm mới là người trở về từ các nước châu Âu nói trên. Bộ Y tế Italy cho biết, người nhập cảnh có 3 lựa chọn hình thức xét nghiệm. Đến nay, Italy đã ghi nhận trên 252.200 người mắc COVID-19, hơn 35.200 trường hợp tử vong vì bệnh dịch.
Trong khi đó, Đức đã đưa thủ đô Bucharest của Romania và 10 khu vực khác của nước này vào danh sách các điểm có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, đồng thời khuyến cáo hạn chế qua lại các địa điểm này. Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát mà nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng người đi lại giữa các nước trong kỳ nghỉ hè.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng trở lại, Thụy Sĩ thông báo gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện có hơn 1.000 người tham gia đến ngày 1/10, thay thế lệnh hết hiệu lực vào ngày 31/8. Đến nay, đã có hơn 37.400 người mắc COVID-19 tại Thụy Sĩ, gần 2.000 thiệt mạng vì đại dịch.
Tại châu Mỹ, Tổng thống Peru Martin Vizcarra quyết định khôi phục lệnh giới nghiêm vào Chủ nhật hàng tuần trên cả nước để ngăn chặn sự lây lan của virus, theo đó người dân phải ở trong nhà ngày nghỉ cuối tuần. Kể từ khi Chính phủ Peru gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng từ 3.300 lên 7.000 trường hợp.
Sau hơn 3 tháng miễn nhiễm, New Zealand đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, nước này ghi nhận thêm 14 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp COVID-19, trong đó 13 ca liên quan đến 4 ca được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó tại thành phố Auckland. Giám đốc Y tế New Zealand, Tiến sĩ Ashley Bloomfield, cho biết, thời gian sớm nhất mà những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng là vào khoảng ngày 31/7, do đó ca nhiễm đầu tiên có thể đã xuất hiện trong cộng đồng từ vài tuần trước đó.
Bộ Y tế Liberia xác nhận, Phó Tổng thống nước này, bà Jewel Howard-Taylor, đã dương tính với virus SARS- CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện bà đang được điều trị tại Ghana.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!