Hơn 97,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 25,1 triệu người mắc và hơn 418.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 126.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số người mắc bệnh là trên 10,6 triệu trường hợp, bao gồm hơn 153.000 ca tử vong. Ngày 21/1, Ấn Độ báo cáo thêm hơn 13.700 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 57.500 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 8,6 triệu trường hợp. Hơn 214.100 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Những chuyến xe tải đầu tiên chở bình oxy từ Venezuela đã tới Brazil để tiếp tế khẩn cấp cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Chính phủ Venezuela đã cử một đoàn xe chở 107.000m3 oxy sang bang Amazonas của Brazil do bang này đang bị thiếu trầm trọng bình oxy để cứu bệnh nhân COVID-19. Thậm chí, bệnh viện ở đây còn giảm tiếp nhận hoặc ngừng tiếp oxy cho các bệnh nhân phải thở oxy, khiến hàng chục người đã qua đời chỉ từ ngày 15/1 đến nay. Trong khi đó, các gia đình phải tự xoay xở tìm kiếm bình oxy cho người thân của mình ngoài chợ đen.
Hơn 8,6 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Brazil. (Ảnh: AP)
Pháp sẽ đóng cửa cáp treo tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này từ ngày 1/2 tới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Biện pháp này thực chất sẽ xóa bỏ mùa du lịch trượt tuyết năm nay tại nước này. Theo kế hoạch, Chính phủ Pháp sẽ nới lỏng biện pháp hạn chế vào ngày 1/2, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc mở cửa trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2 dường như là không thể.
Cáp treo được sử dụng đưa du khách lên đỉnh đồi hoặc núi để trượt tuyết tại các khu nghỉ dưỡng. Ước tính có khoảng 250.000 - 400.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch trượt tuyết tại Pháp. Dự kiến, Thủ tướng Castex sẽ có cuộc họp với các công ty trong ngành du lịch trượt tuyết để thảo luận các biện pháp hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do lệnh đóng cửa kéo dài.
Dịch COVID-19 ở Trung Quốc có những diễn biến mới đáng ngại. Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, dịch đang lây lan không chỉ ở vùng Đông Bắc nước này mà còn xuất hiện thêm 2 tỉnh mới là Sơn Đông và Thiểm Tây. Điều đáng lo ngại là tại Thủ đô Bắc Kinh, cơ quan chức năng đã xác định chủng virus biến thể vốn lây lan rất nhanh.
Cùng với nguy cơ lây lan dịch trên diện khá rộng, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC thành phố Bắc Kinh cho biết, Bắc Kinh ghi nhận 2 ca bệnh là chủng virus biến thể tại Anh. Đây là điều rất đáng ngại bởi chủng virus này lây lan rất nhanh. Ngay lập tức, thành phố Bắc Kinh đã cho phong tỏa và quản lý nghiêm ngặt hơn 1,7 triệu dân tại quận Đại Hưng và đưa khu vực này thành vùng nguy cơ cao nhất.
Ngày 21/1, thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã sử dụng tổng cộng 458 trung tâm giám sát cho việc cách ly tập trung. Theo Phó Thị trưởng Thạch Gia Trang, các trường hợp mắc COVID-19 lẻ tẻ trên địa bàn thành phố đã giảm dần và hầu hết ca mắc mới được phát hiện ở các trung tâm giám sát. Tất cả các cá nhân bị cách ly đều phải xét nghiệm axit nucleic 2 ngày một lần. Tính tới trưa 21/1, tổng cộng 34.000 người đã được cách ly tại những trung tâm trên.
Dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Trong ngày 21/1, tỉnh Hà Bắc đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng và 4 trường hợp không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca mắc này đều ở Thạch Gia Trang.
Biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Nam Phi có nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine. Đây là thông tin trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ các trường đại học và Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Nam Phi đã kiểm tra khả năng kháng huyết tương của biến thể mới được phát hiện tại nước này có tên gọi 501Y.V2 đối với các bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19. Nghiên cứu cho thấy, chúng có thể chống chịu được các kháng thể trung hòa được tạo ra từ lần lây nhiễm trước đó.
Phát hiện trên đồng nghĩa với việc dù nhiều người từng nhiễm SARS-CoV-2 và được cho là đã tích lũy khả năng miễn dịch ở mức nhất định, các biến thể mới như 501Y.V2 vẫn có nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt. Kết quả này cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục trong điều trị COVID-19 và cả các loại vaccine đã được phát triển.
Ngày 21/1, có thêm nhiều nước đã chính thức cấp phép sử dụng vacine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Astrazeneca của Anh sản xuất và vaccine Sputnik V của Nga. Cơ quan Quản lý dược phẩm Hungary đã cấp phép sử dụng cả 2 vaccine này. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên cho tiêm chủng 2 loại vaccine nói trên.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Đây là loại vaccine thứ 3 được cấp phép sử dụng tại UAE sau vaccine của Sinopharm của Trung Quốc và của Pfizer-BioNTech của Mỹ. Vaccine của Astrazeneca là vaccine đầu tiên được cấp phép ở Thái Lan.
Cầu vượt xa nguồn cung vaccine COVID-19 ở pháp VTV.vn - Tại Pháp, bác sĩ thì luôn yêu cầu những người cao tuổi, có bệnh mãn tính nặng phải tiêm vaccine trước, thế nhưng thực tế không phải muốn là được. | Số ca nhiễm mới COVID-19 và tử vong tăng nhanh tại một số nước Đông Nam Á VTV.vn - Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận hơn 96,7 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 2 triệu ca tử vong. Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á. | Thế giới ghi nhận hơn 96,4 triệu người mắc, trên 2,06 triệu trường hợp tử vong vì COVID-19 VTV.vn - Đến sáng 20/1, thế giới có hơn 96,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó trên 2,06 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!