Hiện thế giới chỉ dành 2% quỹ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 vào các dự án năng lượng sạch.
Các nước đã phân bổ hơn 16.000 tỷ USD khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo theo dõi phục hồi bền vững của IEA cho thấy chỉ có 380 tỷ USD được dành để triển khai các dự án năng lượng sạch. Cơ quan này cho rằng nếu chính phủ các nước hiện thực hóa kế hoạch chi tiêu như trên, lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm sau đó.
Theo IEA, các phương án đầu tư do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố dự kiến đáp ứng 60% khoản chi cần thiết để đạt được các mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Đối với các nước đang phát triển, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 20% do các nước bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 ưu tiên dành ngân sách cho phúc lợi xã hội và y tế khẩn cấp hơn là đầu tư bền vững.
Nhìn chung, IEA cho rằng tất cả các quốc gia đều đang bỏ lỡ cơ hội dành công quỹ và quỹ tư nhân cho các dự án "xanh" mang lại lợi ích về cả kinh tế, sức khỏe và khí hậu. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết khoản đầu tư của thế giới vào năng lượng sạch hiện nay không những chưa đạt mức cần thiết để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, mà còn không đủ để ngăn lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức cao mới. Theo đó, IEA hối thúc chính phủ các nước tăng cường chi tiêu ngân sách và nhanh chóng triển khai chính sách hiệu quả nhằm thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris, trong đó có việc các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Tháng 6 vừa qua, IEA công bố báo cáo cho thấy để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thế giới cần đầu tư cho năng lượng sạch mỗi năm tăng ít nhất gấp 7 lần, từ mức chưa đầy 150 tỷ USD trong năm 2020 lên mức hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Mặc dù các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để phòng dịch đã khiến lượng khí thải carbon giảm vào năm ngoái, song nồng độ CO2 trong khí quyển lại tiếp tục gia tăng. Báo cáo của IEA công bố tháng 4 vừa qua dự báo lượng khí thải CO2 trong năm nay sẽ tăng gần 5% lên mức 33 tỷ tấn.
Thời gian gần đây, khu vực Bắc Mỹ hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục trong khi nhiều khu vực Bắc Âu đối mặt với lũ lụt chưa từng thấy. Điều này chứng tỏ tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết đến các nền kinh tế phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!