Liên Hợp Quốc, IMF, và WB cùng bàn thảo biện pháp đối phó với tình trạng bùng phát khó kiểm soát dịch Ebola. (Ảnh: AP)
Sự cấp thiết của các biện pháp đối phó với dịch Ebola tiếp tục trở thành điểm nóng trong chương trình nghị sự của Hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh việc ngăn chặn dịch Ebola lây lan, việc bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của hai thể chế tài chính hàng đầu thế giới này.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, cho rằng cần phải hành động ngay lập tức để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay trên toàn cầu.
Bà Christine Lagarde kêu gọi: “Hãy cùng kêu gọi hành động toàn cầu để đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2015 là năm bản lề và nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ không hoàn thành trách nhiệm với những người nghèo, các thế hệ mai sau và cả hành tinh này”.
Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim một lần nữa nhấn mạnh việc cần phải có hành động trên phạm vi toàn cầu để chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời, ông so sánh hậu quả của biến đổi khí hậu với sự lây lan của dịch bệnh Ebola.
Ông Jim Yong Kim phát biểu: “Ebola và biến đổi khí hậu có một vài điểm chung. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đang sắp hết thời gian để tìm giải pháp cho cả hai vấn đề. Nếu chúng ta không hành động, sẽ có thêm nhiều người tử vong vì sự lây lan của loại virus này cũng như vì tình trạng ô nhiễm bầu khí quyển và đại dương”.
Ngay cả khi cuộc chiến chống lại dịch Ebola vẫn đang tiếp tục, Chủ tịch Ngân hàng thế giới cũng khẳng định việc chủ động đi trước đại dịch tiếp theo cũng vô cùng quan trọng, do đó cần phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực bao gồm kiến thức, kĩ năng và cả tài chính.