Theo thông báo của Bộ Tài chính Ukraine, các chủ nợ nắm giữ trái phiếu Ukraine đã đồng ý chịu khoản lỗ danh nghĩa là 37% tài sản của họ, từ bỏ các yêu cầu bồi thường trị giá 8,5 tỷ USD.
Thỏa thuận hoãn ngày đáo hạn của trái phiếu và hạ lãi suất, dự kiến sẽ tiết kiệm cho Ukraine 11,4 tỷ USD trong 3 năm tới.
Thỏa thuận tái cấu trúc nợ cũng bao gồm trái phiếu Eurobond của Cơ quan đường bộ nhà nước Ukraine Ukravtodor.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine S.Marchenko, thỏa thuận này sẽ tiết kiệm cho Kiev 22,75 tỷ USD vào năm 2033. Nợ của Ukraine sẽ được giảm xuống mức bền vững, cho phép nước này đáp ứng các mục tiêu của chương trình IMF và đáp ứng kỳ vọng của Nhóm chủ nợ Ukraine.
Việc Ukraine đạt được thỏa thuận với các chủ nợ sẽ giúp chính quyền Kiev hoãn các khoản thanh toán nợ do áp lực của chiến tranh đối với nền kinh tế đất nước.
Thỏa thuận tái cấu trúc nợ này là lần thứ hai trong một thập kỷ mà Ukraine buộc phải thực hiện, lần trước là vào năm 2015 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trước đó, vào ngày 31/7, Chính phủ Ukraine đã thông qua nghị quyết về việc tạm dừng thanh toán các khoản nợ quốc tế bắt đầu từ ngày 1/8. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ không thanh toán khoản lãi suất 34 triệu USD đến hạn ngày 1/8 của trái phiếu châu Âu (Eurobond) có thời gian đáo hạn vào năm 2026.
Mặc dù có thời gian ân hạn 10 ngày nhưng Chính phủ Ukraine đã thông báo sẽ không thanh toán. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang thực hiện những bước cuối cùng cho kế hoạch tái cấu trúc nhằm cắt giảm 20 tỷ USD nợ quốc tế.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài tiếp tục làm cạn kiệt các nguồn lực và nền kinh tế của Ukraine, khiến nước này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ tài chính và quân sự từ các đối tác quốc tế.
Ngày 22/7, các quan chức tài chính của Ukraine đã công bố một thỏa thuận tái cấu trúc tạm thời. Các trái chủ dự kiến sẽ chính thức chấp nhận thỏa thuận trong những tuần tới. Đề xuất này sẽ cắt giảm 37% giá trị lượng trái phiếu quốc tế chưa thanh toán của Ukraine, giúp Kiev tránh được phải thanh toán 11,4 tỷ USD trong 3 năm tới - cũng là thời hạn của chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với Ukraine.
Mặc dù việc tái cấu trúc sẽ cắt giảm 1/3 giá trị khoản nợ quốc tế của Ukraine nhưng tình hình tài chính của nước này sẽ vẫn chịu áp lực rất lớn. Tình trạng vỡ nợ này giống với tình hình năm 2015 - dự kiến sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và có tác động nhỏ trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!