Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị về Nước của Liên hợp quốc. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Hội nghị đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tất cả người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận nguồn nước an toàn và vệ sinh. Để làm được điều này còn nhiều việc phải làm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị khai mạc bằng lời kêu gọi từ thế hệ trẻ với đại diện hai quốc gia đồng tổ chức là Nhà vua Hà Lan và Tổng thống Tajikistan cùng chung tay chắp nối dòng chữ: hãy hành động vì nước!
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện cứ 4 người trên thế giới thì 1 người phải dùng nguồn nước uống không an toàn. Và với tình trạng sử dụng nước chưa tiết kiệm, xả thải chưa an toàn, dự báo khoảng hơn 2 tỷ người dân đô thị sẽ đối diện với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2050.
Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc: "Chúng ta đang rút cạn nguồn sống của nhân loại bằng việc tiêu thụ quá mức và sử dụng không bền vững, đồng thời làm nó bốc hơi bằng hiện tượng ấm lên toàn cầu".
Đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra, cùng đồng hành với xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới và chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cùng chung để xóa đi khoảng cách trong trình độ quản lý nguồn nước, gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nước. Và một yếu tố không thể thiếu là giải quyết biến đổi khí hậu.
Trong phát biểu đại diện đoàn Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ những kinh nghiệm trong bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước mà Việt Nam đang triển khai. Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý toàn cầu dựa trên khoa học để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng và phục hồi nguồn nước.
Một trong những mục tiêu chính mà hội nghị hướng tới là đưa ra được Chương trình nghị sự hành động về nước. Đây sẽ là văn bản ghi nhận cam kết tự nguyện và quá trình thực thi các cam kết về nước của các quốc gia thành viên, của nhóm ngành tư nhân và các bên liên quan. Nó được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc giải quyết cơn khủng hoảng về nước hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!