Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI

Việt Linh (Tổng hợp Bloomberg, CNN, MIT Technology Review, Washington Post)-Thứ hai, ngày 12/06/2023 06:34 GMT+7

VTV.vn - Một điều khá bất ngờ là chính các tên tuổi công nghệ lại đang đi đầu trong việc vận động tăng cường quản lý với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Vì sao lại như vậy?

Những chuyến công du của CEO OpenAI

Sam Altman có lẽ là vị lãnh đạo công nghệ đang được chú ý nhất thế giới hiện nay, bởi ông đang là CEO của OpenAI - công ty đã tạo ra ChatGPT - ứng dụng AI tạo sinh đang gây ra cơn sốt toàn cầu thời gian gần đây. Nhưng ở thời điểm này, cũng vị CEO này lại đang liên tục công du khắp thế giới, nhằm vận động giới chức các nước có động thái quản lý chính lĩnh vực mà công ty của ông đang làm ăn.

Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI - Ảnh 1.

Sam Altman – CEO của OpenAI đang liên tục tới các nước nhằm vận động các nỗ lực chung về quản lý AI (Nguồn: Gulfnews)

Mới đây nhất, trong phát biểu trực tuyến tại một hội nghị về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tại Trung Quốc, ông Altman đã kêu gọi nước chủ nhà hãy đóng vai trò then chốt trong việc định hình các quy tắc quản lý với AI. Ông cho rằng: "Với sự xuất hiện của các hệ thống AI ngày càng mạnh mẽ, thì nhu cầu hợp tác toàn cầu (nhằm quản lý AI) cũng chưa bao giờ cao như vậy".

Trong khi ChatGPT còn chưa được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc, thì quan điểm của ông Altman đã tỏ ra khá tương đồng với tầm nhìn của giới chức nước này. Ít ngày trước đó, một CEO công nghệ tên tuổi khác là Elon Musk cũng cho biết quốc gia tỷ dân đang nghiên cứu các biện pháp quản lý lĩnh vực giàu tiềm năng này. Ông Musk bình luận: "Trong chuyến thăm gần đây của tôi đến Trung Quốc, tôi đã trao đổi với các quan chức cấp cao và có những thảo luận hiệu quả về rủi ro của AI cũng như sự cần thiết của việc giám sát chúng. Theo tôi hiểu thì họ sẽ sớm đưa ra các quy định về AI sắp tới".

Trở lại với Sam Altman, "hợp tác quốc tế để quản lý AI" cũng là thông điệp chung mà vị CEO này mang tới trong chuyến đi đến các quốc gia khác nhau. Tại Hàn Quốc và Dubai (UAE), ông Altman đều đưa ra quan điểm rằng cần phải coi rủi ro từ AI là một nguy cơ hiện hữu, tương đương với các đại dịch hay chiến tranh hạt nhân. Người điều hành của OpenAI cũng đưa ra đề xuất là có thể thành lập một cơ quan quản lý AI mang tính quốc tế, tương tự như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc.

Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI - Ảnh 2.

CEO OpenAI Sam Altman điều trần tại Quốc hội Mỹ (Nguồn: Reuters)

Tại "sân nhà" Mỹ, quan điểm của ông Altman cũng không có nhiều khác biệt. Ra điều trần trước Thượng viện hồi giữa tháng 5, ông cho rằng sự can thiệp từ chính phủ là điều cần thiết để giảm thiểu những rủi ro từ AI. CEO Altman cũng đưa ra đề xuất là chính phủ Mỹ có thể thành lập một cơ quan mới với quyền hạn cấp phép cho những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) – hệ thống đằng sau các dịch vụ như ChatGPT, cũng như giám sát và có thể thu hồi giấy phép của những công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này.

Vì sao giới công nghệ tự nguyện kêu gọi quản lý AI?

Những quan điểm của vị CEO OpenAI không phải là tiếng nói đơn lẻ, mà đang ngày càng chiếm ưu thế trong giới công nghệ tại Thung lũng Silicon nói riêng và toàn cầu nói chung. Những lo ngại về rủi ro và sự nguy hiểm nếu AI được phát triển không đúng cách đã được hàng trăm nhà khoa học và kỹ sư công nghệ cảnh báo trong thời gian gần đây, sau khi ChatGPT khơi mào cơn sốt với AI trên khắp thế giới.

Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI - Ảnh 3.

Tỷ phú Elon Musk từng tham gia thư ngỏ kêu gọi "tạm dừng" phát triển AI trong 6 tháng (Nguồn: Reuters)

Một bức thư ngỏ hồi tháng 3, có chữ ký của cả Elon Musk và Steve Wozniak - nhà đồng sáng lập ông lớn Apple, đã kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ "tạm dừng" phát triển các mô hình AI mới trong vòng nửa năm, trong khi giới chức nghiên cứu các rủi ro cũng như biện pháp phòng ngừa.

Nhà khoa học kỳ cựu Geoffrey Hinton, người thường được gọi là "cha đỡ đầu của AI" thậm chí đánh giá khá bi quan rằng: "Tôi đã thay đổi suy nghĩ về việc liệu AI có thể thông minh hơn con người hay không. Hiện giờ chúng đã gần đạt đến điều đó, và trong tương lai thậm chí có thể vượt xa chúng ta. Liệu chúng ta có thể sống sót qua điều đó không?". Ông đã từ chức Phó Chủ tịch tại Google hồi tháng 5 để có thể lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn về những lo ngại của mình.

Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI - Ảnh 4.

"Cha đỡ đầu của AI" Geoffrey Hinton rời khỏi Google nhằm lên tiếng về mặt trái của AI (Nguồn: AP)

Điều này đang biến AI trở thành một hiện tượng rất khác so với những cơn sốt công nghệ từng diễn ra trong quá khứ. Tại Thung lũng Silicon có một câu ngạn ngữ thường được mô tả về vấn đề quản lý giám sát, đó là "Thà xin lỗi còn hơn xin phép", hàm ý các công ty có thể bất chấp những lo ngại để phát triển nhanh chóng, thay vì chờ đợi hành lang quy định rõ ràng. Tuy nhiên điều này đã không còn đúng với startup công nghệ ở thời điểm hiện tại. OpenAI và những startup AI khác như Anthropic and Inflection đều đang nhấn mạnh "An toàn" như một vấn đề cốt lõi với các sản phẩm của họ.

Một lý do khác được cho là bởi hiện nhiều startup về AI hiện có mối quan hệ cộng sinh với các ông lớn công nghệ - những tên tuổi cũng nhấn mạnh vào vấn đề an toàn và được giám sát. Chẳng hạn OpenAI nhận khoản đầu tư 10 tỷ USD từ Microsoft, trong khi Google sở hữu một lượng cổ phần đáng kể trong Anthropic. Những mối quan hệ này không chỉ đem lại lợi ích cho các đơn vị nhỏ về vốn, mà còn cho phép họ tiếp cận kho dữ liệu đám mâ khổng lồ từ các ông lớn - một yếu tố quan trọng trong việc "huấn luyện" các hệ thống AI.

Sundar Pichai - CEO của Alphabet - từng bình luận: "AI quá quan trọng để có thể bỏ không kiểm soát, và cũng quá quan trọng để có thể kiểm soát yếu kém". Việc thúc đẩy tung ra các quy định sẽ giúp giới "Big Tech" tránh được những chỉ trích và rắc rối liên quan đến các rủi ro của AI, như thông tin sai lệch, thao túng bầu cử, hay truyền bá khủng bố và bạo lực qua mạng - những vấn đề mà vốn dĩ họ đã đang phải đau đầu.

Khi giới công nghệ tự nguyện kêu gọi tăng cường quản lý AI - Ảnh 5.

Các ông lớn như Microsoft và Google đều đang đầu tư mạnh vào AI và các startup trong lĩnh vực này (Nguồn: Fox)

Ngoài ra, tuân thủ luật lệ cũng sẽ góp phần "giúp" các ông lớn củng cố vị thế của họ, bởi điều đó sẽ nâng rào cản với các đối thủ mới gia nhập. Microsoft hay Google muốn sử dụng AI như một công cụ nhằm củng cố và thúc đẩy các lĩnh vực cốt lõi, như dịch vụ doanh nghiệp hay công cụ tìm kiếm, do đó họ cũng sẽ muốn kiểm soát các sáng tạo mới trong khuôn khổ trật tự thị trường hiện nay. Bởi vậy, ủng hộ tăng cường quản lý là một cách giúp họ đạt được mục tiêu này.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp công nghệ sẽ tỏ ra "dễ bảo" với những động thái quản lý AI mạnh tay từ giới chức toàn cầu. Một ví dụ điển hình là CEO Sam Altman từng đe dọa sẽ dừng dịch vụ ChatGPT tại Liên minh châu Âu (EU) - khu vực đang đi đầu về nỗ lực quản lý AI, nếu như các quy định mà khối này đặt ra trở nên quá khắt khe và khó có thể thực hiện.

Điều này cho thấy rằng, quản lý AI vẫn sẽ là một chủ đề còn rất nhiều tranh luận và không có đáp án dễ dàng - cũng giống như với nhiều lĩnh vực công nghệ khác trong quá khứ. Giới chức các nước vẫn sẽ phải trải qua những cuộc đàm phán cam go nhằm tìm ra một phương án tối ưu, đảm bảo lợi ích của cả chính phủ, các doanh nghiệp và công chúng trong lĩnh vực mới mẻ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước