Dịch bệnh chưa khiến người Mỹ thay đổi thói quen chi tiêu
Tại một bến xe gần khu vực trung tâm thành phố Portland, bang Oregon, anh Lincoln Barron Holmes – một người chuyên cung cấp trang phục cho các chương trình truyền hình đang bình thản đợi xe buýt. Anh tỏ ra không quá lo lắng khi được hỏi về khả năng dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Mỹ, đồng thời cho biết, điều này không ảnh hưởng đến cách chi tiêu của mình.
"Thành thực mà nói, tôi không lo lắng về điều đó đến mức ám ảnh. Nó không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống hàng ngày của tôi. Tôi không có ý định đi du lịch nước ngoài vào thời điểm này".
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông Craig Jacksson - Giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Birmingham (Anh) - cho biết, tại các nước phương Tây, văn hóa đậm tính cá nhân, khiến người tiêu dùng ít có khả năng thay đổi các thói quen của bản thân, trừ phi điều đó thực sự cần thiết.
"Mọi người không muốn thay đổi thói quen, trừ khi họ thấy cần phải làm như vậy. Mọi người vẫn muốn đến xem các trận bóng đá, đi đến rạp chiếu phim. Chỉ khi mọi thứ trở nên tệ hơn thì việc đến tham dự các hoạt động, sự kiện như vậy có thể sẽ bị hạn chế".
Các sự kiện thể thao tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh (Nguồn: CNN)
Trên thực tế, các số liệu thống kê mới đây cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng Hai, dù tăng thấp hơn dự kiến nhưng vẫn khá tích cực. Theo một báo cáo của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã tiếp tục tăng từ mức 100,9 lên 101 trong tháng Hai – mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Sự tăng trưởng của thị trường việc làm, giá nhiên liệu giảm và lãi suất vay thế chấp thấp, khiến nhu cầu mua xe, mua nhà và các đồ gia dụng quan trọng khác của người tiêu dùng Mỹ trong vòng 6 tháng tới đã tăng lên đáng kể. Chưa có nhiều dấu hiệu thực sự cho thấy dịch bệnh COVID-19 đang tác động lớn tới khả năng chi tiêu của người dân Mỹ.
Những lo ngại dịch bệnh ngày càng gia tăng
Tuy nhiên, báo cáo của Đại học Michigan cũng ghi nhận một tín hiệu đáng chú ý: ngày càng nhiều người dân Mỹ cảm thấy lo ngại hơn về COVID-19. Nếu như trong 2 tuần đầu tiên của tháng Hai, chỉ 7% số người được hỏi nhắc đến mối lo ngại về COVID-19. Tuy nhiên, đến những ngày cuối của cuộc khảo sát, tỷ lệ này đã tăng lên 20%, trùng khớp với thời gian chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc.
Một cuộc khảo sát khác, được thực hiện bởi hãng tư vấn Morning Consult trong giai đoạn từ 17-23/2, ngay trước thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh cũng cho thấy niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống gần bằng thời điểm đầu năm. Dẫu vậy, mức giảm này không quá lớn, chỉ bằng một nửa so với khi căng thẳng Mỹ - Iran bùng phát hồi giữa tháng Một, và niềm tin người tiêu dùng vẫn cao hơn so với thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc lên tới đỉnh điểm hồi mùa hè năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế John Leer của Morning Consult nhận xét:"Đối với nhiều người tiêu dùng, vấn đề dịch COVID-19 vẫn chưa liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ. Rất ít người tin rằng, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế địa phương nơi họ sống. Nhưng nếu bạn hỏi họ về những khu vực kinh tế rộng lớn hơn, như nước Mỹ, Trung Quốc hay toàn cầu, con số quan tâm sẽ tăng lên".
Thói quen tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng
Trong nhiều năm trở lại đây, ví tiền của người tiêu dùng Mỹ luôn là điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế xứ cờ hoa, nếu không muốn nói là của cả thế giới. Tiêu dùng sôi động là lý do duy nhất giúp Mỹ tránh được suy thoái trong thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh thương mại với Trung Quốc hồi năm ngoái. Khi sản xuất bị ảnh hưởng vì thuế quan, doanh nghiệp ngại chi tiêu, thì người Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm.
Tiêu dùng – động lực của tăng trưởng kinh tế Mỹ bị đe dọa? (Nguồn: CNN)
Thế nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể sẽ chấm dứt nếu như sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 ở bên ngoài Trung Quốc thực sự tạo ra những thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Dịch bệnh bùng phát đang bóp nghẹt kinh tế Hàn Quốc và Italia. Nó hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Mỹ, khiến người dân hạn chế đến nhà hàng, trung tâm mua sắm và sân bay do lo ngại mắc bệnh.
Bà Michelle Girard – chuyên gia kinh tế tại tổ chức đầu tư NatWet Markets - cho biết: "Điều tôi lo sợ là người dân Mỹ thực sự sẽ bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm của mình. Họ sẽ tự hỏi, liệu mình có nên đi xem phim, có nên đi xem thể thao, hay đến những nơi đông người nữa không? Sự lây lan của dịch bệnh sẽ dần làm thay đổi tâm lý mọi người, khiến họ sẵn sàng hạn chế chi tiêu".
Một ví dụ cho thấy sự lo lắng ngày càng gia tăng của người dân Mỹ chính là việc thương hiệu bia Corona đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực chỉ vì trùng tên với loại virus gây ra dịch COVID-19. Hãng truyền thông CNN dẫn khảo sát của công ty chuyên về quan hệ công chúng 5W Public Relations cho thấy 38% người Mỹ sẽ không mua bia Corona "trong bất kỳ trường hợp nào" vì sự bùng phát của dịch Covid-19 và 14% người khác nói rằng họ sẽ không uống loại bia này ở nơi công cộng. Trong một cuộc khảo sát khác do công ty nghiên cứu thị trường YouGov thực hiện, công ty này nhận thấy ý định mua bia Corona của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.
Bia Corona điêu đứng vì “trùng tên” với virus gây bệnh COVID-19 (Nguồn: CNN)
Hoang mang vì thị trường chứng khoán lao dốc
Một yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người tiêu dùng Mỹ, chính là đà lao dốc của thị trường chứng khoán. Trên thực tế, không phải lúc nào người Mỹ cũng chi tiêu xả láng khi thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tuy nhiên, người Mỹ có xu hướng thắt lưng buộc bụng hơn mỗi khi thị trường biến động mạnh. Ví dụ như hồi tháng 12/2018, khi chỉ số S&P 500 tụt dốc 9,2%, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã giảm 3% so với tháng trước đó.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ 2008 (Nguồn: Reuters)
Và do đó, theo chuyên gia kinh tế Gregory Daco thuộc công ty dự báo kinh tế Oxford Economics, khi chứng kiến chỉ số S&P 500 bị thổi bay 3.400 tỷ đô la chỉ trong có 5 ngày, nhiều người Mỹ "sẽ có xu hướng thận trọng hơn vì lo lắng cho tương lai."
Trả lời phỏng vấn CNN, chuyên gia kinh tế Mark Zandi thuộc công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics nhận định việc thị trường chứng khoán "đỏ lửa" kéo dài sẽ là cú đòn giáng mạnh vào kinh tế Mỹ bởi nó trực tiếp tác động đến người tiêu dùng. "Người tiêu dùng Mỹ đang là bức tường lửa giữa ranh giới của một nền kinh tế đang tăng trưởng và một nền kinh tế suy thoái. Nếu họ mất niềm tin mà dịch COVID-19 lại là phép thử thực sự của lòng tin, suy thoái sẽ xảy ra".
Ông Zandi hiện đã nâng dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong nửa đầu năm nay từ 20% lên 40%. Vị chuyên gia này bày tỏ lo ngại: "Nếu COVID-19 biến thành đại dịch và lan đến Mỹ, tôi không thấy chúng ta có cách nào ngăn suy thoái".
Những nhóm đối tượng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cũng theo ông Zandi, nhóm người tiêu dùng thuộc thế hệ "baby boomer" (sinh năm 1946-1964) thường nhanh chóng cắt giảm chi tiêu khi thị trường biến động vì phải lo đảm bảo cuộc sống tới giai đoạn nghỉ hưu.
Người dân Mỹ có thể sẽ cắt giảm chi tiêu (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, những người giàu có - thành phần sở hữu lượng cổ phiếu lớn và chi tiêu mạnh tay - cũng có thể thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn nền kinh tế biến động. "Điều này sẽ kéo theo việc doanh số từ các mặt hàng xa xỉ và dịch vụ khách sạn cao cấp bị giảm", chuyên gia Danielle DiMartino Booth - nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Quill Intelligence - cho biết thêm.
Còn nhà kinh tế Gregory Daco thuộc Oxford Economics thì nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu đáng kể và nền kinh tế Mỹ lao đao nếu các trường hợp lây nhiễm virus corona chủng mới bùng lên tại các thành phố lớn như New York, Washington hay San Francisco. Khi đó, các sự kiện lớn sẽ bị hủy bỏ, người dân sẽ không dám ra đường và lưu lượng vận tải hàng không sẽ lao dốc.
Vận tải hàng không thiệt hại nặng vì COVID-19 (Nguồn: Reuters)
"Chỉ cần xuất hiện một ổ dịch ở một trung tâm thương mại hay hội thảo nào đó thôi, hành vi của người dân sẽ thay đổi nhanh chóng", Ông David Kotok - Chủ tịch công ty quản lý tài chính Cumberland Advisors cảnh báo. Ông này cho rằng những đợt bùng phát như vậy thậm chí sẽ có thể châm ngòi cho suy thoái toàn cầu.
Mối đe dọa từ tin giả
Chuyên gia Craig Jackson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Birmingham (Anh), lưu ý rằng nếu sự hoang mang lan rộng, người tiêu dùng Mỹ sẽ có xu hướng điều chỉnh các kế hoạch chi tiêu của mình và mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy điều đó.
Mối đe dọa từ tin giả về COVID-19 gia tăng (Nguồn: CNN)
Ông cho biết "Chúng ta không có những thứ kiểu như tin giả thời điểm dịch SARS bùng phát, và điều đó khiến người tiêu dùng không thay đổi quá nhiều thói quen chi tiêu của họ. COVID-19 có tỷ lệ tử vong thấp, nên tôi không nghĩ nó sẽ dẫn đến sự hoảng loạn trên quy mô lớn. Nhưng với mạng xã hội thì khác, nó có thể thúc đẩy sự hoang mang một cách nhanh chóng".
Một cảnh báo tương tự cũng được bà Martina Bozadzhieva thuộc tập đoàn tư vấn Frontier Strategy đưa ra. Trả lời phỏng vấn CNBC, bà khẳng định: "Mạng xã hội có thể làm lan truyền sự hoảng loạn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới thói quen của người tiêu dùng và của bất kỳ ai đang cố gắng giữ tâm lý bình tĩnh".
Nguồn: CNN, Reuters, CNBC, Market Watch, MarketPlace
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!