Đây là nội dung trong nghiên cứu mới đánh giá chi tiết về tình hình tử vong trẻ em được công bố trên tạp chí Nature ngày 16/10.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên mở rộng đánh giá tình tình tử vong ở trẻ tới cấp quận huyện ở các nước. Theo đó, từ năm 2000 đến cuối 2017, có tới 123 triệu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi tử vong tại 99 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chiếm hơn 90% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nếu tính thêm các số liệu sơ bộ năm 2018 đối với các quốc gia không bao gồm Trung Quốc, Mexico, Brazil và Malaysia, tổng số trẻ em chết yểu tăng lên 130 triệu trường hợp trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Nghiên cứu do hàng trăm chuyên gia tham gia đánh giá, cho biết nguyên nhân tử vong ở trẻ khác nhau tùy thuộc độ tuổi. Sinh non là tác nhân lớn nhất cướp đi sinh mạng của trẻ dưới 1 tuổi. Trong khi đó, trẻ từ 2 - 4 tuổi chủ yếu tử vong do không qua khỏi các căn bệnh sốt rét, tiêu chảy và một số ít hơn mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như viêm phổi.
Nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi chênh lệch 10 lần giữa các quốc gia và thậm chí 40 lần giữa các khu vực. Chẳng hạn năm 2017, trung bình 4 trẻ trong 1.000 trẻ tại Santa Clara của Cuba không có cơ hội đón sinh nhật lần thứ 5, trong khi tỷ lệ này tại huyện Garki của Nigeria lên tới 195/1.000 trẻ.
Quan chức lâu năm tại Viện nghiên cứu Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại bang Washington (Mỹ), ông Simon Hay cho rằng thế giới cần đặt ra các biện pháp mục tiêu rõ ràng để bảo vệ tính mạng của trẻ nhỏ, chẳng hạn như tiêm vaccine. Ông cho biết thêm các phát hiện do một nhóm nghiên cứu của ông phụ trách đã cung cấp nền tảng cho các bộ trưởng y tế, đội ngũ y bác sĩ và giới nghiên cứu tại các quốc gia, giúp cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trên quy mô toàn cầu, số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm gần một nửa, từ gần 10 triệu trẻ năm 2000 xuống 5,4 triệu trẻ vào năm 2017. Tuy chưa có thống kê chính xác của năm 2018, song tổng số trẻ tử vong dưới 5 tuổi trong thời gian này ước khoảng 5 triệu trẻ.
Cũng theo nghiên cứu, tiến bộ mà một số quốc gia đạt được trong hơn 18 năm qua cho thấy các mục tiêu giảm số ca tử vong ở trẻ là "trong tầm tay". Việc tăng cơ hội tiếp cận bảo hiểm y tế và sự gia tăng số lượng các nhân viên y tế tại những khu vực nghèo là 2 trong nhiều yếu tố góp phần đạt được tiến bộ trên.
Tuy nhiên, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet nhấn mạnh cơ hội tiếp cận điều trị y tế chỉ là một yếu tố, trong khi nghèo đói, quyền lợi không được đảm bảo, sự kỳ thị và bất công là những yếu tố khác cản trở việc chữa trị bệnh cho trẻ, từ đó dẫn tới các ca tử vong.
Bà Michelle Bachelet nêu rõ giải quyết vấn đề tử vong ở trẻ nhỏ đòi hỏi nhiều nỗ lực của tất cả các bộ ngành trong chính phủ các nước trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!