Khủng hoảng nhập cư mới khi nào sẽ kết thúc?

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 12/01/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, số việc làm đạt mức kỷ lục, một mặt nào đó cũng kích thích tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Trong mấy tháng gần đây, tình trạng người nhập cư từ các nước Mỹ Latinh tìm cách vào Mỹ qua khu vực biên giới với Mexico đã trở nên trầm trọng. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo ba nước Bắc Mỹ là Mỹ, Mexico và Canada thảo luận tại hội nghị cấp cao vừa kết thúc.

Hàng trăm người vẫn hàng ngày kiên nhẫn chờ đợi ở biên giới Mexico - Mỹ chờ cơ hội vào Mỹ tìm việc làm, có người đã chờ đến 2 tháng. Họ chờ đợi Mỹ sẽ nới lỏng chính sách nhập cư khi lãnh đạo ba nước Mỹ, Mexico, Canada gặp nhau tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức tại Thủ đô Mexico trong 2 ngày đầu tuần.

Ông Arturo Barrios - Người dân Venezuela nói: "Tôi hy vọng Mỹ và Mexico sẽ ký được văn bản về nhập cư và có thể thì cả Canada, Tây Ban Nha và các nước khác nữa, để tiếp nhận chúng tôi. Không chỉ từ Venezuela, mà còn cả Nicaragoa hay Cuba".

Nhập cư là một trong những nội dung chính của hội nghị. Canada tuyên bố cấp 25 nghìn giấy phép cho lao động Mexico. Ba nước thống nhất sẽ hình thành một nền tảng trực tuyến mới, là công cụ để người di cư truy cập và đăng ký nhập cư hợp pháp.

Khủng hoảng nhập cư mới khi nào sẽ kết thúc? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi đã làm việc cùng nhau để xử lý vấn đề nhập cư bất hợp pháp, đảm bảo mỗi người đều phải tuân thủ luật pháp của mỗi nước và tuân thủ quyền con người. Chúng tôi cũng bàn cách để đối phó với tình trạng buôn người".

Tổng thống Mexico thì đề nghị Mỹ thừa nhận tình trạng cư trú của khoảng 1 triệu người Mexico đang sống, làm việc tại Mỹ trong nhiều năm qua.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador: "Tôi đề nghị Tổng thống Mỹ hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua luật thừa nhận tình trạng nhập cư của hàng triệu người Mexico đã sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ và có đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Mỹ trong nhiều năm qua".

Để từng bước xử lý khủng hoảng di cư ở biên giới với Mexico, tuần trước, Mỹ xác nhận mỗi tháng sẽ tiếp nhận nhân đạo 30 nghìn người di cư, đồng thời Quốc hội Mỹ cũng đang được đề nghị cấp khoản ngân sách 3,5 tỷ USD để ổn định tình hình biên giới phía Nam. Tuy nhiên, rất khó dự báo khi nào vấn đề khủng hoảng nhập cư mới sẽ kết thúc.

Khủng hoảng nhập cư mới khi nào sẽ kết thúc? - Ảnh 2.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng Mỹ, trong năm tài khóa 2022, số người di cư bất hợp pháp bị lực lượng an ninh biên giới Mỹ bắt giữ tăng lên mức kỷ lục - 2,2 triệu người, bao gồm cả những người đã cố gắng vượt biên nhiều lần nhưng bất thành. Trong khi con số này 1 năm trước đó là 1,67 triệu người và năm 2020 chỉ là 400 nghìn.

Sức ép với chính quyền của Tổng thống Joe Biden từ làn sóng di cư

Những bức tường container ngăn người di cư bị dỡ bỏ tại bang Arizona, rồi lại phải dựng lên ở bang Texas. Dòng người di cư bất hợp pháp vốn đã là vấn đề nan giải đeo đẳng các nhà lãnh đạo Mỹ trong nhiều năm qua. Nhưng những số liệu mới đang tạo ra áp lực lớn với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Thành phố El Paso, bang Texas là tâm điểm trong vấn đề di cư ở khu vực biên giới. Ngay trước khi đến Mexico tham dự hội nghị với lãnh đạo Mexico và Canada, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thị sát thành phố El Paso, đánh dấu chuyến đi đầu tiên tới biên giới phía nam kể từ khi ông nhậm chức. Thành phố El Paso tháng trước đã từng ban bố tình trạng khẩn cấp khi dòng người di cư gia tăng ở mức đáng báo động.

Khủng hoảng nhập cư mới khi nào sẽ kết thúc? - Ảnh 3.

Nhằm siết chặt số lượng lớn người di cư bất hợp pháp đổ xô đến khu vực biên giới để tìm cơ hội nhập cảnh vào Mỹ, tuần trước, ông Biden đã công bố các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể là Mỹ sẽ nhanh chóng trục xuất những người di cư từ Nicaragua và Haiti bị bắt giữ vì lý do vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng áp dụng chính sách nhân đạo khi mỗi tháng tiếp nhận khoảng 30.000 người di cư từ Nicaragua, Haiti và một số quốc gia khác qua đường hàng không.

Cách tiếp cận bài toán di cư theo hai hướng này, một mặt giúp ông Biden chấm dứt chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa khi số lượng người di cư vượt qua biên giới Mỹ - Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục và gây sức ép lên hệ thống an ninh, an sinh xã hội của Mỹ. Mặt khác, lại giúp xoa dịu các thành viên đảng Dân chủ và những ý kiến cho rằng các biện pháp được áp đặt sẽ ngăn cản người di cư thực hiện quyền xin tị nạn của họ.

Chính phủ Mexico hoan nghênh động thái mới của Washington. Nếu mức trần tiếp nhận là 30.000 người di cư mỗi tháng, trong năm 2023 sẽ có tổng cộng 360.000 người được vào Mỹ. Đây là sự gia tăng cơ hội việc làm tại Mỹ lớn nhất đối với người di cư trong những năm gần đây.

Bộ An ninh nội địa Mỹ nhận định, vấn đề di cư là thách thức chung và đòi hỏi phải có giải pháp cho toàn bộ khu vực. Thực tế đã cho thấy, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư không thể đến từ những bức tường bê tông kiên cố, mà phải đến từ các chính sách toàn diện, xử lý gốc rễ vấn đề, trong khi vẫn bảo vệ hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

Chính quyền Mỹ bế tắc trong vòng xoáy khủng hoảng nhập cư Chính quyền Mỹ bế tắc trong vòng xoáy khủng hoảng nhập cư

VTV.vn - Chính quyền Mỹ hiện đang bế tắc trong vòng xoáy khủng hoảng nhập cư trong bối cảnh hàng chục nghìn gia đình nhập cư trái phép vào quốc gia này để xin tị nạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước