"Giấc mơ Mỹ" trở thành ác mộng bởi khủng hoảng dân nhập cư

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 04/04/2021 13:46 GMT+7

VTV.vn - Nước Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng di cư lớn nhất trong 20 năm qua.

Người di cư đến qua biên giới phía Nam. Đây không phải vấn đề mới với nước Mỹ bởi những chuyện này đã kéo dài nhiều năm. Tình hình chỉ đột ngột trở thành cảnh báo đỏ, thu hút lại sự chú ý của dư luận sau khi những số liệu mới nhất vừa công bố. Bản thân chính quyền Mỹ thừa nhận lo ngại sẽ phải đối diện lượng người di dân tới biên giới Tây Nam nước này lớn nhất trong 20 năm qua.

Trẻ em tự vượt biên vào Mỹ

Hiện tượng trẻ em tự vượt biên đến từ Trung Mỹ tăng vọt. Theo thông tin của một quan chức Mỹ được dẫn lời, gần 4.300 trẻ em không có người đi cùng đã bị nhân viên tuần tra biên giới giữ lại. Theo quy định, hầu hết những người trưởng thành độc thân và các gia đình vượt biên bị bắt giữ sẽ bị trục xuất, trong khi đó, trẻ em không có người đi theo thì không.

Giấc mơ Mỹ trở thành ác mộng bởi khủng hoảng dân nhập cư - Ảnh 1.

Hình ảnh trẻ em tự vượt biên được truyền thông Mỹ đăng tải

Điều trớ trêu là đợt di dân ồ ạt mới nhất này đến ngay sau một động thái nhân đạo, chính sách nhập cư mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thành hình và chờ thông qua.

Nước Mỹ trước khủng hoảng dân nhập cư

Màn đêm buông xuống, những chiếc xuồng chở người di cư nhanh chóng vượt sông Rio Grande nằm giữa Mexico và Mỹ. Lên được bờ, những người di cư sẽ tự nộp mình cho lực lượng bảo vệ biên giới với giấc mơ sẽ được ở lại Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, những đoàn người di cư từ Trung Mỹ, đặc biệt là Guatemala, Honduras và El Salvador, vẫn đang đổ về Mexico để rồi tìm cách vượt biên vào Mỹ. Hành trình dài và đầy nguy hiểm. Người di cư có thể trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hay tội phạm có tổ chức.

"Chúng tôi đã được thông báo rằng các cửa vào Mỹ đều bị chặn. Nhưng chúng tôi sẽ mạo hiểm, bởi vì không còn cách nào khác. Chúng tôi phải chiến đấu vì nếu không, chúng tôi phải sống trong cảnh này nghèo đói trong suốt quãng đời còn lại" - anh Paulo Pinedas, người di cư từ Honduras, cho biết.

Chỉ trong tháng 2 vừa qua, hơn 100.000 người di cư tại biên giới với Mexico đã bị bắt giữ. Một cuộc khủng hoảng ở biên giới. Sức ép gia tăng buộc chính quyền Joe Biden phải mở thêm những cơ sở phân loại và tạm giữ người nhập cư trái phép. Nhưng hầu hết đang trong tình trạng quá tải.

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho rằng: "Làn sóng người di cư tại biên giới có thể là số lượng người di cư lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong vòng 20 năm qua".

Trước tình hình này, Nhà Trắng đã phải lên tiếng, kêu gọi người di cư hãy đừng đến Mỹ. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chạy hơn 17.000 quảng cáo trên đài phát thanh khắp khu vực Mỹ Latin và hơn 500 quảng cáo trên mạng xã hội để yêu cầu người di cư ở lại quê hương của họ.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Hãy đừng đến Mỹ. Chúng tôi đang trong quá trình thiết lập lại hệ thống xin tị nạn và sẽ phải mất một thời gian dài nữa. Cho nên đừng rời thị trấn, thành phố hay cộng đồng của các bạn lúc này".

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden thừa nhận, "không có câu trả lời dễ dàng" cho thách thức trong vấn đề người di cư. Thông điệp từ Nhà Trắng không phải là không đến Mỹ, mà là đừng đến theo cách này. Con đường đến Mỹ phải là con đường hợp pháp.

Giấc mơ Mỹ trở thành ác mộng bởi khủng hoảng dân nhập cư - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng không có câu trả lời dễ dàng cho thách thức trong vấn đề người di cư (Ảnh: AP)

Bài toán kép ngay hiện tại là làm sao để ngăn dòng người di cư đổ về Mỹ ngày một nhiều và cũng là làm sao để Mexico nhận lại số người di cư bất hợp pháp mà nước Mỹ trục xuất. Tháng 2 vừa qua, Mexico đã từ chối nhận lại một nửa số người bị trục xuất với lý do không có khả năng tiếp nhận.

Những kỳ vọng về "giấc mơ Mỹ" trở lại với chính sách nhập cư mới

Cụm từ "giấc mơ Mỹ" có thể đã tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người ở những vùng chiến sự, đói nghèo như những người dân Trung Mỹ đang tìm đường vượt biên kia. Nhưng đây cũng là cụm từ nằm trong niềm tự hào của đất nước xứ cờ hoa, về một cuộc sống giàu có và tốt đẹp hơn cho nhiều người.

Dưới bao đời chính quyền Mỹ, các chính sách tiếp nhận nhập cư vẫn được thực hiện vì yếu tố nhân đạo, cũng vì cả nhu cầu thực tế về lao động và phát triển kinh tế. Việc tiếp nhận trở nên khó khăn hơn trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Một trong những việc tân Tổng thống Biden muốn làm sớm nhất là xem xét lại chính sách nhập cư của người tiền nhiệm. Một thông điệp cho thế giới thấy, nước Mỹ đã cởi mở trở lại. Thông điệp được cho là đảo ngược hoàn toàn chính sách cũ.

Ngày 2/2, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm cải tổ quy trình nhập cư của Mỹ, hủy bỏ những chính sách nhập cư trước đó của người tiền nhiệm Donald Trump. Như vậy, chỉ trong 2 tuần đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã ký 9 sắc lệnh về nhập cư hợp pháp, an ninh biên giới và các gia đình di cư bị chia cắt. Sắc lệnh mới trao cơ hội cho 11 triệu người chưa có quốc tịch trở thành công dân Mỹ, nhanh chóng đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm về nhập cư.

Giấc mơ Mỹ trở thành ác mộng bởi khủng hoảng dân nhập cư - Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden ký loạt sắc lệnh về nhập cư (Ảnh: AP)

Ngày 18/2, Đảng Dân chủ Mỹ đã công bố dự luật nhằm thực hiện kế hoạch của Tổng thống Joe Biden. Theo đó, những người có 8 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ có đủ điều kiện nhập tịch, thay vì 13 năm như trước đây. Một số đối tượng như người làm nông và trẻ em được đưa tới Mỹ sẽ ngay lập tức được tạo điều kiện cấp thẻ xanh cho phép họ làm việc hợp pháp. Hàng nghìn người nhập cảnh vào Mỹ theo cơ chế được bảo vệ tạm thời (TPS) do bạo lực và thảm họa thiên tai tại quê nhà cũng được hưởng quy chế tương tự.

Chính sách nhập cư của chính quyền Biden nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề nhập cư, tập trung trấn áp những băng nhóm buôn người, thắt chặt quan hệ với quốc gia láng giềng Mexico. Chính quyền mới chọn cách tiếp cận trị giá 4 tỷ USD với hy vọng giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bạo lực, khủng hoảng môi trường và thất nghiệp ở Trung Mỹ, từ đó khuyến khích mọi người ở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, nhiều chỉ trích cho rằng, việc xóa bỏ hoàn toàn biện pháp của người tiền nhiệm sẽ làm chính quyền Biden phải đổi mặt với làn sóng di dân mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhiều nhận định cho rằng, giữa bối cảnh nới lỏng các lệnh cấm vận ở Mỹ Latin và các chính sách nhập cư khoan dung hơn ở Mỹ, làn sóng di cư về phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tốc. Nhưng cũng có ý kiến nhận định, với các thay đổi của Tổng thống Biden - bao gồm cải thiện cơ hội kinh tế, pháp quyền và tính minh bạch ở Trung Mỹ, tạo cuộc sống ổn định và làm giảm động lực của người di cư - thì một sự thay đổi dài hạn trong các mô hình di cư hướng Bắc là một khả năng thực sự. Tranh cãi là chuyện không tránh khỏi lúc này, nhất là sau tình hình mới nhất ở biên giới Tây Nam nước Mỹ. Đây cũng là thách thức để những cải tổ của ông Biden có thể được thông qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước