Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn

Anh Quang-Thứ bảy, ngày 27/03/2021 18:05 GMT+7

VTV.vn - Trang Politico ước tính vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 400 triệu USD mỗi giờ.

Nỗ lực giải cứu tiếp tục thất bại

Sau 5 ngày mắc kẹt, mọi nỗ lực giải cứu Ever Given, siêu tàu hàng mắc kẹt giữa kênh Suez vẫn chưa thành công.

Trong tuyên bố ngày 27/3, Chủ tịch Shoei Kisen – công ty sở hữu con tàu Ever Green cho biết, 10 tàu kéo đã được huy động và các công nhân đang nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái của mũi tàu, cố gắng đưa nó nổi trở lại khi thủy triều lên và đi ra biển. Công ty đã xem xét việc dỡ bỏ các container trên tàu để giảm trọng lượng, nhưng điều này rất khó thực hiện.

Chủ tịch Shoei Kisen nói: "Chúng tôi xin lỗi vì đã làm tắc nghẽn giao thông, gây ra rắc rối và lo lắng cho nhiều người".

Công ty SMIT Salvage của Hà Lan, một trong những bên tham gia giải cứu tàu Ever Given, xác nhận sẽ có thêm hai tàu kéo đến hỗ trợ vào ngày 28/3.

Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn - Ảnh 1.

Nõ lực nạo vét và lai dắt nhằm giải cứu tàu Ever Given ở kênh đào Suez đã thất bại (Nguốn: AFP)

Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), công ty cung cấp giải pháp hàng hải của Singapore hợp tác với chủ sở hữu tàu Ever Given cho hay "không có báo cáo về tình trạng ô nhiễm hoặc thiệt hại hàng hóa. Các điều tra ban đầu về nguyên nhân sự cố loại trừ lỗi máy móc hoặc động cơ".

Thủy thủ đoàn đã làm việc xuyên đêm dưới ánh đèn pha, sử dụng một máy nạo vét cỡ lớn.

Mỹ ngỏ lời giúp đỡ

CNN dẫn thông tin từ 2 quan chức quốc phòng cho biết lực lượng Hải quân Mỹ ở Trung Đông lên kế hoạch điều một đội chuyên gia nạo vét tới kênh đào Suez, sớm nhất là trong hôm nay, để hỗ trợ Ai Cập giải cứu "siêu tàu" chở hàng Ever Given.

Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn - Ảnh 2.

Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies về tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt trong Kênh đào Suez (Nguốn: AP)

Chính phủ Ai Cập đã chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ thông qua Đại sứ quán Mỹ ở Cairo. Cục Quản lý kênh đào Suez (SCA) cũng hoan nghênh lời đề nghị này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 26/3 xác nhận thông tin này và Nhà Trắng "đang theo dõi rất sát tình hình". Bà cho biết Nhà Trắng đang nhận thấy "một số tác động thấy rõ tới các thị trường năng lượng" liên quan cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez.

Phát biểu từ bang Delaware, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi có thiết bị và năng lực mà hầu hết các quốc gia không có".

Nguy cơ gia súc chết đói, khan hiêm giấy vệ sinh do kênh đào Suez tắc nghẽn

Theo dữ liệu của Bloomberg, ít nhất 20 tàu lớn đang bị mắc kẹt trong hoặc quanh kênh đào Suez là tàu chở gia súc.

Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn - Ảnh 3.

Tàu neo đậu bên ngoài kênh đào Suez ở Ain Sokhna, gần kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 26/3 (Nguồn: United States Environmental Protection Agency - EPA)

Hiện tại, tình trạng của gia súc trên tàu chưa có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc giải cứu tàu Ever Given và khơi thông kênh đào có thể mất đến vài tuần do con tàu quá lớn.

Khi đó, các tàu có thể tiếp thức ăn cho động vật tại cảng Said và Suez gần đó nếu nguồn cung gần hết. Tuy nhiên, quá trình này có thể không đơn giản vì có rất nhiều tàu cũng neo tạm tại các cảng này để chờ đợi.

Bà Gerit Weidinger, điều phối viên châu Âu của tổ chức Animals International cho biết bà e rằng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, tình trạng sức khỏe của động vật có thể trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Gia súc cần nước uống, thức ăn - những thứ chỉ được dự trữ đủ để cầm cự thêm 2 đến 3 ngày nếu như có sự cố phát sinh

"Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là động vật hết thức ăn và nước uống. Chúng bị mắc kẹt trên tàu và không thể chuyển đi nơi khác vì thủ tục giấy tờ. Bị mắc kẹt trên tàu có nghĩa là có nguy cơ động vật bị đói, mất nước, bị thương, tích tụ chất thải, khiến chúng không thể nằm xuống. Thủy thủ đoàn cũng không thể xử lý xác động vật trong kênh đào Suez. Về cơ bản, đó là một quả bom hẹn giờ nguy hiểm với động vật, thủy thủ đoàn và bất kỳ người nào liên quan", bà nói.

Trong khi đó, Suzano, nhà sản xuất bột gỗ lớn nhất thế giới, vừa lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm container vận chuyển trên toàn cầu có thể sẽ siết chặt nguồn cung hàng hóa và khiến công ty có trụ sở tại Brazil này trễ đơn hàng.

Chia sẻ với Bloomberg, CEO Walter Schalka của Suzano bày tỏ lo ngại khi chuỗi cung ứng bột giấy bị gián đoạn, nguồn cung giấy vệ sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu các nhà sản xuất không có đủ hàng tồn kho. Bột gỗ chính là nguyên liệu quan trọng để sản xuất giấy vệ sinh.

Nga "chớp cơ hội" quảng bá tuyến đường biển phương Bắc

Một quan chức đối ngoại cấp cao Nga ngày 26/3 cho rằng tình trạng giao thông tê liệt tại kênh đào Suez vì một "siêu tàu" mắc kẹt đã cho thấy rõ tầm quan trọng trong việc phát triển tuyến đường biển Bắc Cực thay thế.

Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn - Ảnh 4.

Tuyến hàng hải phương bắc (màu xanh) và tuyến hàng hải qua kênh đào Suez. (Nguồn: RT)

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax, ông Nikolai Korchunov - người phụ trách hợp tác quốc tế Bắc Cực của Nga - cho biết: "Sức hấp dẫn của tuyến đường biển phương Bắc sẽ gia tăng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Rõ ràng là cần phải suy nghĩ về cách xử lý hiệu quả những rủi ro giao thông và phát triển các tuyến đường thay thế kênh đào Suez, trước hết chúng ta nên tập trung vào tuyến đường biển phía Bắc".

Tuyến đường biển phương Bắc là một trong một số kênh vận chuyển ở Bắc Cực và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga.

Kinh tế toàn cầu bị “thổi bay” 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn - Ảnh 5.

Nga trang bị một hạm đội tàu phá băng để phát triển tuyến đường biển phương Bắc. Ảnh: AFP

Nga đã đầu tư rất nhiều để phát triển tuyến đường này, cho phép các phương tiện vận chuyển cắt giảm hải trình đến các cảng châu Á 15 ngày so với việc đi qua kênh đào Suez.

Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga (Rosatom) thậm chí chớp cơ hội tuyên bố trên Twitter rằng, thế giới nên cân nhắc sử dụng Tuyến đường biển phương bắc (NSR) để thay thế cho tuyến đường đi qua kênh đào Suez. Trong đó nhấn mạnh, Nga có nhiều tàu phá băng, có thể cứu hộ trong trường hợp các tàu hàng bị mắc kẹt khi di chuyển qua NSR. Rosatom tuyên bố tập đoàn này có thể cung cấp dữ liệu thời gian thật về thời tiết, hải lưu, dòng chảy của các tảng băng và những thông tin quan trọng khác cho việc di chuyển qua NSR.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kênh đào Suez

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước