Theo NASA, phân tử nói trên là methyl cation (CH3+) có nhiệm vụ hỗ trợ hình thành những phân tử có cấu trúc dựa trên carbon phức tạp hơn. Phân tử này cũng được coi là một trong những dấu hiệu sự sống tiềm năng mà các nhà khoa học luôn khao khát chạm đến.
CH3+ được phát hiện trong Tinh vân Orion - "vườn ươm sao" nằm cách Trái Đất khoảng 1.350 năm ánh sáng. Phân tử này có đặc tính độc đáo là khả năng phản ứng đa dạng với các phân tử nhỏ khác để tạo thành các hợp chất hữu cơ phức tạp ngay trong môi trường giữa các vì sao.
Chuyên gia Marie-Aline Martin thuộc Đại học Paris-Saclay (Pháp) - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: "Việc phát hiện CH3+ không chỉ cho thấy độ nhạy đáng kinh ngạc của kính viễn vọng không gian James Webb mà còn xác nhận tầm quan trọng của CH3+ giữa các vì sao. Phát hiện này cung cấp thêm dữ liệu quý giá về cách mà hành tinh chúng ta có được sự sống".
Là chương trình quốc tế do NASA phối hợp triển khai cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada, kính viễn vọng James Webb là thiết bị quan sát khoa học vũ trụ hàng đầu thế giới.
Theo NASA, James Webb có thể giúp các nhà chuyên môn giải đáp những bí ẩn trong hệ Mặt Trời, quan sát xa hơn trong những vùng không gian xung quanh các ngôi sao, cũng như thăm dò các cấu trúc và nguồn gốc hình thành những khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!