Người di cư lên tàu rời đảo Lampedusa để chuyển đến Porto Empedocle, Sicily. (Ảnh: Saudi Gazette)
Đảo Lampedusa ở Địa Trung Hải là điểm đến đầu tiên của những người di cư hoặc từ đây, họ sẽ tiếp tục di chuyển về phía Bắc để đến các nước châu Âu khác.
Những con thuyền mỏng mảnh, đầy chặt người di cư xuất phát từ Tunisia đã cập bến hòn đảo nhỏ phía Nam Italy này hôm 13/9, gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong việc chặn tàu của những kẻ buôn lậu người và thách thức nghiêm trọng cam kết ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp của Thủ tướng Giorgia Meloni.
Trước đó, Pháp và Đức khẳng định sẽ từ chối những người di cư đi bằng đường biển qua khu vực bờ biển Italy, bất chấp các quy định về tị nạn của Liên minh Châu Âu, theo đó hãy đi về phía Bắc để cố gắng tìm việc làm hoặc người thân ở những nơi đó và các nước phía Bắc khác trên lục địa châu Âu.
Bắt đầu từ sáng sớm 12/9, những chiếc thuyền sắt ọp ẹp, không đảm bảo điều kiện an toàn đi biển lần lượt xuất hiện trên đảo Lampedusa, một hòn đảo đánh cá và du lịch ở phía Nam vùng Sicily của Italy.
Người di cư cập cảng tại Italy. (Ảnh: Reuters)
Theo các nhà chức trách Italy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng người di cư tới đảo Lampedusa là do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Tunisia trong nhiều ngày qua do biển động.
Do cơ sở lưu trú duy nhất cho người di cư trên đảo chỉ có khoảng 450 giường, chính quyền sở tại đã khẩn cấp chuyển người di cư bằng tàu thương mại hoặc tàu bảo vệ bờ biển đến Sicily, hoặc Calabria ở phía Nam đất liền Italy.
Francesca Basile, phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ Italy ở Lampedusa, cho biết, họ đang "rất nỗ lực" để cung cấp "các dịch vụ cơ bản" cho 6.000 người di cư tại Lampedusa.
Đây là số người di cư đến đảo Lampedusa trong vòng 24 giờ ở mức cao nhất từ trước tới nay. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, vào năm 2016, Italy đã tiếp nhận hơn 180.000 người xin tị nạn.
Bộ Nội vụ Italy thông tin, hơn 120.000 người di cư đã đến nước này bằng đường biển trong năm nay, trong số đó có trên 11.000 trẻ vị thành niên không có người đi cùng. Hầu hết người di cư băng qua Italy bằng cách đi bộ, đi xe bus và tàu hỏa khi cố gắng hướng tới miền Bắc nước này.
Andrea Costa, Chủ tịch Baobab Experience, một hiệp hội phi lợi nhuận chuyên trợ giúp những người di cư quá cảnh ở Rome, cho biết, họ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng người di cư từ Nam Sudan, Sudan và Eritrea trong mùa hè năm nay.
Các tình nguyện viên làm việc với Baobab cung cấp cho người di cư bữa ăn nóng hổi vào mỗi buổi tối trên đường phố ở Rome. Hầu hết người di cư nghỉ một vài đêm tại Rome trước khi bắt xe bus tới thị trấn Ventimiglia ở biên giới với Pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!