Làm chủ tịch G20, Ấn Độ tiên phong chống tái nhiễm COVID-19

P.V-Thứ bảy, ngày 07/01/2023 16:38 GMT+7

Ấn Độ làm Chủ tịch luân phiên G20 từ 1/12/2022

VTV.vn - Thế giới có thể cần tham khảo mô hình chống dịch tại Ấn Độ với chiến dịch tiêm chủng mở rộng toàn quốc và các quy định nghiêm về hành vi thích hợp phòng chống COVID-19.

Câu chuyện về chiến dịch khổng lồ tiêm vaccine của Ấn Độ đáng để thế giới tham khảo. Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Tiêm chủng cho toàn dân là một thách thức rất lớn, cần có kế hoạch khổng lồ, các biện pháp dự phòng khi bị trì hoãn vì bất cứ lý do nào. Không những thế, quá trình tổ chức còn vấp phải nhiều thách thức khác như tin giả về dịch bệnh, đa chiều phản ứng trong dư luận… Quá trình vượt qua tất cả các thách thức đó là những kinh nghiệm vô cùng quí giá.

Những thách thức về khoa học và công tác hậu cần có thể được xử lý ổn thoả thông qua ngân sách và đối ngoại. Tuy nhiên, những thách thức nội bộ, xuất phát từ các vấn đề của người dân, đòi hỏi các giải pháp cụ thể hoàn toàn khác nhau.

Các biện pháp có thể áp dụng linh hoạt với đặc thù của từng quốc gia nhưng về bản chất đều có sự tương đồng nhất định. Về cơ bản, mỗi quốc gia đều cần có cơ chế quản lý thông tin và cần xây dựng các cơ chế điều phối, quản lý từ trên xuống để chống lại đại dịch với mục tiêu trọng tâm chung.

Hiện nay, mối đe doạ về việc tái bùng phát COVID-19 đang nổi lên khi các ca lây nhiễm gia tăng ở một số quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới. Trong số đó, có những quốc gia láng giềng của Ấn Độ. Sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch G20, Ấn Độ nhận thức phải phát huy vai trò trong vấn đề này. Nỗ lực thuyết phục các quốc gia khác cùng tìm ra một chiến lược chung chống đại dịch COVID-19 không chỉ đem lại lợi ích chung cho khối và thế giới mà còn thể hiện mạnh mẽ hơn uy tín và vị thế của Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến Maitri Vaccine - Tình hữu nghị vaccine để thúc đẩy các nền kinh tế lớn toàn cầu tập hợp các nguồn lực cho một cuộc chiến chung chống lại đại dịch. Không chỉ người dân các nước phát triển được điều trị hoặc tiêm chủng đẩy đủ mà còn cần có đủ thuốc cho người nhiễm COVID-19 và đủ vaccine người dân bình thường của các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi và châu Á.

Báo cáo thị trường vắc-xin toàn cầu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, việc phân phối vaccine hiện nay để chống bệnh COVID-19 và các bệnh khác như viêm phổi do phế cầu khuẩn, bệnh sởi, bệnh thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, lao... đang không công bằng.

Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của G20, Ấn Độ có thể thực hiện sáng kiến Maitri Vaccine của mình như một mô hình hợp tác toàn cầu trong việc xây dựng các hệ thống cung cấp dịch vụ y tế toàn cầu mạnh mẽ. Đương nhiên, phát triển một cơ chế phân phối thuốc và vaccine một cách công bằng là rất cần thiết. Ấn Độ cũng là một trung tâm sản xuất vaccine lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của chính mình và cung ứng cho toàn cầu.

Năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ đã được chứng minh trong vài thập kỷ qua. Ấn Độ đã thực hiện cuộc chiến chống lại COVID-19 và đã chiến thắng bằng cách phát triển rất nhanh chóng vaccine. Trên thực tế, Ấn Độ không chỉ phát triển một loại mà là một số loại vaccine. Ấn Độ trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới trong lĩnh vực này.

Tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên toàn cầu đặt ra yêu cầu đối với tất cả các nước là phải liên kết và bổ trợ lẫn nhau nhiều hơn để hợp tác phát triển và phân phối vaccine cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng tại chỗ, thay vì chỉ dựa trên yếu tố khả năng chi trả. Đòi hỏi này chắc chắn sẽ kéo theo đòi hỏi về tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại và cấp phép giữa các quốc gia. Với vai trò Chủ tịch đương nhiệm của G20, Ấn Độ sẽ chủ động và thúc đẩy nhóm các quốc gia theo hướng đó, trên cơ sở nhận thức và đáp ứng lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên.

Ấn Độ cần làm việc với các nước phát triển phương Tây về chuỗi cung ứng của nguyên liệu thô quan trọng cũng như các yếu tố ràng buộc của phía cung ứng. Đây là các yếu tố đã gây ra sự chênh lệch giữa các nước trong phân phối thuốc và vaccine chống COVID-19. Ví dụ, nếu các nút thắt trong nguồn cung cấp nguyên liệu thô được tháo gỡ, Mỹ và Ấn Độ có thể sản xuất vaccine nhanh như nhau và cung ứng, phân phối thuốc, vaccine cho toàn cầu tốt hơn. Hoặc như sự khác nhau trong qui định của các nước về cấp phép sản xuất, sử dụng vaccine cũng làm tiến trình sản xuất, phân phối vaccine chậm lại. Với tư cách là Chủ tịch G20, Ấn Độ cũng cần nỗ lực để hài hòa hóa các qui định này ở các quốc gia. Chỉ có như vậy, việc sản xuất, phân phối mới được tiến hành kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời điểm.

Nếu các quốc gia thống nhất được, cùng với sự phối hợp của các tổ chức toàn cầu như WHO và Liên hiệp quốc, thế giới sẽ có một một quy trình và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn, hiệu quả và minh bạch hơn giúp phát triển vaccine nhanh chóng với sự điều tiết hài hoà và hợp lý các ứng dụng thử nghiệm lâm sàng.

Đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra các lỗ hổng trong hệ sinh thái y tế toàn cầu. Và Ấn Độ, với vai trò Chủ tịch G20, đang muốn tiên phong đóng góp để san lấp các lỗ hổng đó một cách lâu dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Ấn Độ

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước