Người tiêu dùng Nhật Bản đang phải bỏ ra chi phí sinh hoạt nhiều hơn, nguy cơ sẽ làm giảm chi tiêu - tiêu dùng cá nhân, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tháng 6 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu không tính các biện pháp trợ cấp năng lượng, con số này sẽ là 4,3%. Theo dữ liệu của công ty phân tích tín dụng Teikoku Databank khi khảo sát 200 doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống, dự kiến trong năm 2023 sẽ có 35.000 sản phẩm tăng giá, nhiều hơn gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Đà tăng giá liên tiếp đang khiến người dùng Nhật Bản có xu hướng hạn chế chi tiêu nhằm cân đối ngân sách gia đình, đặc biệt là khi lương không tăng theo kỳ vọng. Trong tháng 5, lương thực tế - tức là sau khi trừ lạm phát đã giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp lương thực tế của người lao động Nhật Bản bị giảm, bất chấp các giải pháp tăng lương gần đây của các doanh nghiệp.
Lạm phát đang khiến các hộ gia đình của Nhật Bản cảm thấy ngày càng áp lực và phải cân nhắc chi tiêu kể cả các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Dự kiến, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục cho đến sang năm, phụ thuộc vào giá hàng hóa nhập khẩu và xu hướng tăng giảm của đồng Yen so với đồng USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!