Ổ dịch ở Seri Petaling có liên quan tới 55% tổng số ca mắc COVID-19 ở Malaysia. (Nguồn: Todayonline)
Dịch COVID-19 rình rập nhiều quốc gia từng là "điểm nóng"
Hiện nay, nhiều quốc gia từng là điểm nóng của dịch COVID-19 đã nguội, rồi giờ dịch lại rình rập. Trạm kiểm soát Padang Besar tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Malaysia đã bị đóng cửa trở lại sau khi Thái Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 từ nước ngoài trở về tăng nhanh. Trong số các ca mắc mới, có các trường hợp lao động trở về từ Arab Shaudi nhập cảnh thông qua trạm kiểm soát trên. Việc đóng cửa này sẽ giúp các cơ quan chức năng của Thái Lan và Malaysia khử trùng toàn diện các khu vực thuộc trạm kiểm soát cũng như ngăn chặn sự lây lan COVID-19, bởi giờ Thái Lan đã kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng.
Hàn Quốc ngày 29/5 đã phải tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội tại thủ đô Seoul và những khu vực lân cận. Quyết định trên được đưa ra sau khi ngày 28/5 nước này ghi nhận ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất trong 2 tháng qua với 79 ca, ngày 29/5 là 58 ca.
Nhà kho của Công ty Coupang ở Bucheon, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Điều đáng nói là có tới gần 100 trường hợp mắc mới được phát hiện có liên quan đến 1 trung tâm chuyển phát ở tỉnh Gyeonggi, phía Tây Thủ đô Seoul. Trước đó, một ổ dịch gần 200 người ở khu phố đêm Itaewon vẫn có nguy cơ rất cao đang mất dấu tới 2.500 người từ khu phố này, đây đều là những người có nguy cơ lây nhiễm.
Ông Kim Kang-Lip - Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh".
Từ ngày 31/5, Sri Lanka cũng sẽ áp đặt trở lại một số biện pháp hạn chế sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, chủ yếu là những người hồi hương từ Kuwait hồi tuần trước. Tổng cộng trong ngày 28/5 có tới 250 người dương tính.
Các nước cần thận trọng trước nguy cơ tái bùng phát COVID-19 khi dỡ bỏ phong tỏa Ảnh: Reuters
Phát hiện và cách ly – giải pháp tốt nhất nhưng chưa phải là triệt để
Sớm nhất thì 1 năm nữa chúng ta mới có vaccine thì mới hy vọng là COVID-19 được xóa sổ hoàn toàn từ đó. Một loại thuốc điều trị được công nhận rộng rãi cũng chưa có. Như vậy cách duy nhất để chúng ta giữ SARS-CoV-2 không lây lan là phát hiện và cách ly. Đây là cách duy nhất và tốt nhất, nhưng chưa phải là triệt để.
PGS. Todd Pollack - Giám đốc Chương trình sức khỏe toàn cầu, Đại học Y Harvard tại Việt Nam cho rằng: "Có một số đặc tính của virus SARS-CoV-2 khiến cho chúng ta rất khó ngăn chặn. Thứ nhất, nó là một chủng virus mới, tức là trong cộng đồng chưa có ai đã từng có sẵn miễn dịch với virus này. Thứ hai là nó có tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Tính trung bình, mỗi người nhiễm virus sẽ lây nhiễm sang 2-3 người khác. Thứ ba là nó có thể lây lan từ những người không có triệu chứng bệnh".
Một chốt kiểm dịch y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: THX/TTXVN
Nghiên cứu cho thấy khoảng 80% những người bị nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, một số không có triệu chứng và có thể lây nhiễm cho người khác. Vì vậy khó có thể ngăn chặn hoàn toàn virus, nhất là khi những người đó đi đến những địa điểm nguy cơ cao, tức là những chỗ đông người và đóng kín. Vì vậy, rất cần duy trì sự thận trọng trong cộng đồng".
Hầu hết tất cả các chuyên gia y tế trên thế giới đều có chung nhận định là sẽ có làn sóng lây nhiễm thứ hai, có thể không nguy hiểm như bùng phát đợt đầu, nhưng chắc chắn là có. Vấn đề chỉ là khi nào nó bắt đầu. Vậy nên chúng ta vẫn phải cực kỳ nghiêm túc với các những biện pháp theo dõi lây nhiễm tích cực, kèm với ý thức giãn cách và phòng chống của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!