Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp các nhóm bảo tồn trên khắp thế giới theo dõi sức khỏe các rạn san hô một cách hiệu quả hơn.
Ông Ben Williams - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đặt các micro dưới nước để giám sát âm thanh một cách thụ động, có nghĩa là các micro này sẽ thu lại âm thanh trong nước trong thời gian dài, trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Chúng như những chiếc tai trong đại dương, giúp lắng nghe và thu thập dữ liệu".
Hàng trăm đoạn ghi âm tương tự đã được ông Ben Williams và các nhà khoa học Indonesia sử dụng nhằm tạo ra một thuật toán máy tính có khả năng theo dõi sức khỏe của các rạn san hô. Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích các dữ liệu như tần suất và độ lớn của âm thanh từ các đoạn băng ghi âm, từ đó có thể xác định xem liệu rạn san hô đó còn khỏe mạnh hay đang bị hư hại, với độ chính xác lên tới ít nhất 92%.
Ông Syafyudin Yusuf - Nhà bảo tồn, Giáo sư Đại học Hasanuddin, Indonesia chia sẻ: "Với sự trợ giúp của hệ thống trí tuệ nhân tạo này, tôi tin rằng chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian và nhân lực một cách hiệu quả hơn, cũng như giảm chi phí sử dụng để giám sát các rạn san hô trên khắp Indonesia".
các nhà nghiên cứu Indonesia hy vọng có thể thu thập thêm nhiều bản ghi âm dưới nước từ các rạn san hô không chỉ riêng ở Indonesia mà cả ở Australia, Mexico và quần đảo Virgin để giúp đánh giá tiến độ của các dự án phục hồi san hô trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!