Lào đối mặt nguy cơ bùng dịch trên diện rộng, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận trên 3.000 ca mắc/ngày

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 06:04 GMT+7

Hơn 232,19 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 26/9, thế giới có trên 232,19 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,75 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 43,7 triệu ca mắc và hơn 705.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 34.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/9, nước này ghi nhận hơn 28.000 ca mắc mới COVID-19 và 258 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 446.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa. Hiện Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại những chuyến bay giữa nước này và các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Ấn Độ sẽ xuất khẩu 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 10 tới sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine ra nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, hầu hết trong số 8 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson sẽ được gửi đến các nước châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Đầu năm nay, nước này đã cam kết sẽ xuất khẩu 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đến tháng 12/2022.

Tuy nhiên, New Delhi đã phải tạm dừng xuất khẩu vaccine hồi tháng 5 do làn sóng dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng. Trong tuần này, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine do các ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 mới đang chậm lại.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 593.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Melbourne, thành phố đông dân thứ hai của Australia, đã công bố sáng kiến mang tên "Inside Out" nhằm hỗ trợ lĩnh vực giải trí và ăn uống hoạt động dễ dàng hơn. Các dịch vụ ăn uống, giải trí cũng như cuộc sống về đêm sẽ được đưa ra ngoài đường phố, sau khi các quy định phong tỏa tại thành phố này dự kiến được dỡ bỏ vào cuối tháng 10.

Sáng kiến này sẽ tận dụng lộ trình dỡ phong tỏa của chính quyền bang Victoria, cho phép các dịch vụ ăn uống và giải trí ngoài trời khi 70% dân số người dân từ 18 tuổi của bang đã được tiêm chủng đầy đủ. Giới chức y tế dự kiến, đến cuối tháng 10, mốc tiêm chủng trên sẽ đạt được. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được hoạt động ngoài trời, chính quyền sẽ kéo dài thêm việc tạm hoãn trả phí giấy phép cũng như chấp thuận nhiều giấy phép hoạt động ngoài trời hơn cho các doanh nghiệp.

Anh có kế hoạch cấp thị thực tạm thời cho các tài xế xe tải để giảm bớt tình trạng thiếu tài xế xe tải tại nước này. Theo truyền thông Anh, Chính phủ nước này sẽ cho phép 5.000 lái xe nước ngoài vào Anh bằng thị thực ngắn hạn theo yêu cầu của các công ty hậu cần và các nhà bán lẻ.

Trước đó, tập đoàn dầu khí BP đã thông báo tạm thời đóng cửa một số trạm bán xăng dầu tại Anh sau khi khả năng vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng do thiếu tài xế xe tải. Hiệp hội Vận tải đường bộ Anh cho biết, nước này cần thêm 100.000 tài xế xe tải hạng nặng. Sự thiếu hụt này một phần do Brexit và COVID-19 gây ra.

Cuba bắt đầu cho phép mở trở lại các hoạt động kinh tế ở một số địa phương nhờ tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các nhà hàng, quán bar, trung tâm thương mại và bãi biển tại 8 trong số 15 tỉnh bao gồm thủ đô La Habana có số ca nhiễm COVID-19 giảm được phép hoạt động trở lại. Chính quyền thủ đô La Habana đã lựa chọn hơn 500 doanh nghiệp có thể phục vụ khách tại chỗ, trong khi trước đó chỉ được phép bán mang về.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba thông báo sẽ nối lại nhiều chuyến bay du lịch hơn từ tháng 11 tới, đồng thời chấp nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 đối với khách du lịch trong nước thay cho kết quả xét nghiệm PCR.

Hiện số ca mắc mới COVID-19 của Cuba đã bắt đầu giảm so với mức đỉnh điểm trong mùa hè. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc với mục tiêu phủ vaccine cho hơn 90% dân số vào giữa tháng 11. Hiện 86,5% người dân La Habana đã được tiêm vaccine COVID-19.

Lào đối mặt nguy cơ bùng dịch trên diện rộng, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận trên 3.000 ca mắc/ngày - Ảnh 1.

Cuba đã tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)

Nepal đang nỗ lực hồi sinh ngành du lịch vốn chịu tổn thất nặng nề sau 18 tháng bùng phát đại dịch COVID-19. Tuần này, quốc gia Nam Á này đã mở cửa trở lại với du khách và dỡ bỏ quy định cách ly khi nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tiêm phòng. Tuy nhiên, tất cả hành khách, dù đã tiêm phòng hay chưa, vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh. Những du khách chưa tiêm phòng phải thực hiện cách ly trong 10 ngày. Quyết định trên được đưa ra đúng thời điểm thuận lợi nhất cho các chuyến leo núi mùa thu ở Nepal.

Singapore đã quyết định thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại. Ngày 25/9, nước này ghi nhận 1.650 ca mắc mới.

Giới chức y tế cảnh báo, nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, Singapore sẽ phải đối mặt với số ca nhiễm mới lên tới 3.200 ca/ngày vào tuần tới. Do đó, Singapore sẽ áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách bắt đầu từ ngày 27/9 đến ngày 24/10. Theo đó, nước này sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm tối đa 2 người tại các địa điểm ăn uống. Làm việc tại nhà sẽ là mặc định đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa. Học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới.

Đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại lên tới 730 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines trong từ 10 đến 40 năm tới. Trên đây là con số mà Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia (NEDA) của Philippines công bố ngày 25/9 khi dự báo về những tổn thất kinh tế mà đại dịch gây ra cho nước này.

Từ tháng 3/2020, Philippines đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Mặc dù thời gian phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài hơn, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với số bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày. Hiện nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng trên 2,47 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó có 37.405 trường hợp tử vong.

Với mục tiêu mỗi ngày sẽ tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, Thái Lan đã khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia mới. Trước khi bắt đầu chiến dịch này, Thái Lan mỗi ngày tiêm được từ 600.000 - 800.000 liều vaccine. Chính phủ nước này đang cố gắng nâng số lượng mũi tiêm mỗi ngày lên 1 triệu nhằm tăng khả năng ứng phó với các loại biến thể mới. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang tập trung tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học trở lại trong học kỳ tới.

Thái Lan này 25/9 ghi nhận thêm 11.975 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 127 trường hợp tử vong. tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan hiện là trên 1,5 triệu người, trong đó có trên 1,4 triệu người người đã hoàn toàn bình phục và 16.143 trường hợp không qua khỏi.

Tính đến ngày 24/9, Thái Lan đã tiêm được hơn 46,67 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó số lượng người được tiêm mũi thứ hai chiếm khoảng 25,19% dân số.

Ngày 25/9, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 428 trường hợp trong cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo Bộ Y tế Lào, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng khi ghi nhận ổ dịch nghiêm trọng tại các nhà máy may tại thủ đô Vientiane. Đáng chú ý là hầu hết các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta Plus, một phiên bản của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn và làm giảm tác dụng của phương pháp điều trị bằng kháng thể.

Trong 24 giờ qua, thủ đô Vientiane vẫn ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng cao nhất cả nước với 207 người. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Khammuon, Champasak, tỉnh Ventiane… khi có số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới trên 21.000 ca, trong đó có 16 bệnh nhân tử vong.

Trước tình hình trên, chính quyền thủ đô Vientiane yêu cầu các quận phối hợp với những thành phần có liên quan chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống lây nhiễm, kiểm soát và điều trị người bệnh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và đưa người tiếp xúc gần đi cách ly kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và giảm tỷ lệ biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Lào đối mặt nguy cơ bùng dịch trên diện rộng, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận trên 3.000 ca mắc/ngày - Ảnh 2.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới/ngày cao kỷ lục với trên 3.300 trường hợp trong ngày 25/9. (Ảnh: AP)

Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 25/9 cảnh báo, nếu không dừng Lễ Pchum Ben, "một thảm họa" sẽ xảy ra với y tế công và đe dọa tính mạng của người dân nước này. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, giữ gìn sinh mệnh là quan trọng nhất và vẫn còn thời gian để tổ chức Lễ Pchum Ben về sau. Ông mong người Campuchia hiểu được quyết định của người đứng đầu đất nước về việc phải ngừng lễ truyền thống này trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã tăng lên trên 108.000 trường hợp và số người tử vong vì đại dịch vượt 2.200 người.

Ngày 25/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 trên mức 800 ca và nguyên nhân có liên quan đến ổ dịch từ các ngôi chùa. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 816 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 114 trường hợp nhập cảnh và có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hiện Campuchia có tổng cộng 108.257 ca mắc COVID-19, trong đó 100.182 người đã khỏi bệnh và 2.218 bệnh nhân thiệt mạng.

Hàn Quốc ghi nhận gần 3.300 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Đa số ca mắc mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn chiếm đa số với gần 75%. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở thành phố Seoul vượt ngưỡng 1.000 người. Khoảng 40% ca nhiễm mới được xác nhận là không thể truy vết.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc đã quyết định thắt chặt các hạn chế. Bắt đầu từ ngày 25/9, Hàn Quốc giới hạn số lượng người tham gia các cuộc tụ tập riêng tư xuống còn tối đa là 6 người.

Giới chức y tế hàn Quốc cảnh báo, từ tuần tới, số ca nhiễm mới theo ngày có thể còn tiếp tục tăng cao khi hiện vẫn còn hàng triệu người dân Seoul đang chờ kết quả xét nghiệm sau kỳ nghỉ lễ Trung thu.

Các quốc gia Nam Á nới lỏng hạn chế để đón du khách quốc tế Các quốc gia Nam Á nới lỏng hạn chế để đón du khách quốc tế Biến thể Delta đang tiếp tục đánh bật tất cả các biến thể khác Biến thể Delta đang tiếp tục đánh bật tất cả các biến thể khác Thế giới có hơn 231 triệu ca mắc COVID-19, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga Thế giới có hơn 231 triệu ca mắc COVID-19, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước