Đã thành truyền thống, Lễ duyệt binh mừng Chiến thắng được tổ chức để tưởng niệm, tôn vinh những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại, là dịp để người Nga biểu thị tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc khi mà nước Nga vĩ đại đang đứng trước thềm một cuộc bỏ phiếu toàn dân nhằm sửa đổi Hiến pháp cũng như hướng tới những kỳ tích kinh tế trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng gồm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào năm 2021 và bầu cử Tổng thống Nga năm 2024.
Tuy nhiên, sự kiện trọng đại này đã bị trì hoãn bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, làm cho người dân Nga phải ngồi nhà thay vì được hòa mình vào các hoạt động công cộng đông người được tổ chức ngoài trời như thường lệ. Được tham dự, chứng kiến lễ duyệt binh mừng Chiến thắng là niềm mong đợi của đại đa số người dân Nga.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, lễ duyệt binh còn là dịp để thử thách, để biểu thị tinh thần đoàn kết và hợp tác với các dân tộc anh em, như những gì mà người Nga, người Mỹ, người Anh, người Pháp… đã làm 75 năm trước để đối phó với thách thức chung - thảm hoạ phát xít và hiện nay là đại dịch COVID-19.
Một quyết định hợp lòng dân
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành Lễ duyệt binh mừng Chiến thắng vào ngày hôm nay (24/6) xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân Nga cũng như xuất phát từ những nghiên cứu khoa học và dịch tễ căn bản.
Theo ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống, hiện ở Nga tình hình dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, được cải thiện rõ rệt, số người phơi nhiễm đang có chiều hướng giảm, số ca được chữa khỏi tăng dần. Các cơ sở chữa trị đang được giảm áp lực.
Những người tham gia duyệt binh đều được xét nghiệm và không có triệu chứng mắc COVID-19. Toàn bộ binh sĩ phải đeo khẩu trang trong quá trình huấn luyện và bị cấm tiếp xúc với những người không liên quan đến lễ duyệt binh.
Các binh sĩ phải đeo khẩu trang trong quá trình huấn luyện cho lễ duyệt binh và bị cấm tiếp xúc với những người không liên quan (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Đúng 10h sáng theo giờ Moskva (14h theo giờ Hà Nội) ngày hôm nay, lễ duyệt binh sẽ diễn ra với phần mở đầu tái hiện cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm với sự tham gia của gần 14.000 binh sĩ, hơn 230 khí tài cơ giới và 75 máy bay. Hơn 20 mẫu thiết bị quân sự mới sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại lễ duyệt binh năm nay.
Tái hiện lịch sử
Mở màn cho phần diễu hành cơ giới là đoàn xe tăng T-34 huyền thoại. Đây là loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất, sử dụng rộng rãi nhất trong cuộc chiến và được chế tạo dựa theo mẫu T-34 năm 1942. Việc lắp đặt pháo 85mm và cải tiến cấu trúc giúp tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu so với T-34-76.
Xe tăng T-34 (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Kể từ năm 1944, T-34-85 là xe tăng chính của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Những chiếc T-34 vẫn được sử dụng ở một số quốc gia trên thế giới.
Xe tăng T-34 (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Vào năm 2018, Lào đã chuyển sang Nga 30 chiếc T-34 và chính những chiếc xe tăng này đã trải qua quá trình sửa chữa phục hồi để tham gia cuộc duyệt binh ngày hôm nay. Ngoài ra, trong phần tái hiện lịch sử, sẽ còn có sự tham gia của pháo tự hành SU-100.
Xe ô tô bọc thép
Sau các xe tăng T-34 sẽ là những chiếc xe ô tô bọc thép Tigr-M và Taifun-K. Tigr là loại xe địa hình chuyên dùng cho việc chuyên chở quân và khí tài. Còn Taifun-K được chế tạo giành riêng cho lính dù.
Ô tô bọc thép (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Ô tô bọc thép Tigr (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Xe tăng
Trong cuộc duyệt binh lần này sẽ có 33 xe tăng. Lần đầu tiên sẽ xuất hiện xe tăng Armata-T15 với module mới, trang bị pháo 57mm.
Một mẫu mới được đưa ra đó là xe bọc thép BMP-2 được trang bị khoang chiến đấu Berezok. Module này tích hợp nhiều thành tựu khoa học hiện đại như ngắm bắn từ xa, điều khiển hoả lực, hình ảnh nhiệt và nhiều thứ khác.
Mới nhất có lẽ là tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet mà theo các chuyên gia là "hung thần" đối với các xe tăng Phương Tây như Abrams và Leopard.
Xe tăng T-80BVM (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Bên cạnh đó là các loại xe tăng T-72BZ, T-80BVM, T-90M Prorưv… cũng lần đầu tiên xuất hiện trên Quảng trường Đỏ. Được trang bị tháp pháo cải tiến và động cơ mạnh mẽ hơn cùng kính ngắm hiện đại, tăng T-90M Prorưv có khả năng tác chiến trong mọi tình huống thời tiết, cả ngày lẫn đêm.
Xe tăng tăng T-90M Prorưv (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Xe chiến đấu bộ binh
Xe chiến đấu bộ binh bao gồm các loại xe bọc thép cho bộ binh như BMP-3, BMP-2M, BMP Aramata và Kurganets-25 được trang bị module chiến đấu loại Kinzal và Epokha. BMP-3 là xe bọc thép bánh xích lội nước chuyên dùng vận chuyển các đơn vị có tính cơ động cao, được trang bị vũ khí mạnh, thích hợp cho các chiến dịch có sử dụng vũ khí hạt nhân và có sự phối thuộc trong trận chiến cùng xe tăng.
Xe bọc thép BMP-3 (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
BMP-3 (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Các hệ thống phòng không
Hệ thống phòng không Derivation lần đầu tiên xuất hiện trên Quảng trường Đỏ, được trang bị pháo 57mm với kỹ thuật điều khiển hỏa lực hoàn toàn tự động và có khả năng điều khiển từ xa. Ưu điểm của hệ thống này chính là tiết kiệm chi phí do có khả năng tiêu diệt các máy bay không người lái, các thiết bị bay nhỏ thay vì phải dùng đến tên lửa.
Hệ thống phòng không Derivation (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Hệ thống phòng không Derivation (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Xe bọc thép cho lính dù
Theo truyền thống, các loại xe dùng cho lính dù thường được xuất hiện trong các cuộc duyệt binh. Lần này có sự góp mặt của BTR-MDM Rakushka và BMD-4M. Chúng được chế tạo cho quân chủng nhảy dù và có thể được thả từ máy bay vận tải quân sự. Quân đội Nga đã có kinh nghiệm thả dù các phương tiện này cùng với lính dù trên xe.
Xe bọc thép cho lính dù (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Xe bọc thép cho lính dù (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Pháo tự hành
Cùng với hệ thống pháo tự hành Msta-S, hệ thống mới nhất Koalisia-SV có cỡ nòng 152mm chuyên dùng tiêu diệt các thiết bị hạt nhân chiến thuật, các đơn vị pháo binh, xe bọc thép, nhân lực, hệ thống phòng không, hệ thống chống tên lửa của đối phương. Trong năm nay, Koalisia-SV sẽ được trang bị cho quân đội Nga.
Pháo tự hành Koalisia-SV (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Pháo tự hành Koalisia-SV (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Hệ thống phóng loạt tên lửa phản lực
Lần đầu tiên Nga sẽ trình diễn hệ thống phóng loạt tên lửa chính xác Tornado-S cải tiến từ hệ thống RSZO 9K58 Smerti. Diện tích huỷ diệt của loại vũ khí này lên tới gần 70 hecta với 12 ống phóng cỡ 300mm, khoảng cách tối đa của tên lửa bắn đi là 120km.
Tổ hợp tên lửa Tornado-S (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Tổ hợp tên lửa Tornado-S (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Tên lửa chiến dịch - chiến thuật Iskander-M
Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi.
Tên lửa chiến dịch - chiến thuật Iskander-M (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Iskander còn được trang bị một hệ thống điều khiển thông minh cho phép đạn bay lượn linh hoạt. Iskander có tầm bắn ít nhất là 500km, độ chính xác cao. Nó có thể mang đầu đạn hạn nhân hoặc đầu đạn thường và tên lửa có cánh R-500. Chính vì R-500 mà Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu huỷ tên lửa tầm trung và tầm ngắn do Nga đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước này.
Tên lửa Iskander-M (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Thiết bị phòng không quân sự
Bao gồm hệ thống phòng không Tor-M2, Buk-M3 và hệ thống phòng không tên lửa - pháo Pansir-SM. Pantsir là tổ hợp phòng không có tầm tác chiến từ ngắn tới trung bình, đặt trên khung gầm xe bánh xích, bánh lốp hoặc các trụ, bệ đỡ cố định, tổ hợp này có kíp chiến đầu gồm 2 đến 3 người. Tổ hợp phòng không này gồm các khẩu pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không, cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến.
Pansir-SM (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Pantsir được sử dụng rộng rãi bảo vệ các mục tiêu dân sự và quân sự bao gồm các hệ thống phòng không tầm xa như S-300 Favit và S-400 Triumph. Hệ thống này tiêu diệt được các vật thể bay, kể cả tên lửa nhỏ.
Pansir-SM (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí. Trong cuộc duyệt binh hôm nay, phiên bản Bắc Cực có tên Pantsir SA không có pháo phòng không sẽ trình diễn trong đội hình hành quân.
Hệ thống phòng không tên lửa
Lần đầu tiên hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz và S-300V4 xuất hiện tại cuộc duyệt binh. Đây là hệ thống tên lửa phòng không di động tiên tiến, được thiết kế để bảo vệ các cơ sở hành chính ở hậu phương và quân sự quan trọng cũng như các nhóm lực lượng trước những cuộc tấn công bằng vũ khí đường không và tên lửa đạn đạo.
Hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Tổ hợp phòng không tên lửa S-300V4 (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
S-350 Vityaz gồm một bệ phóng tự hành, radar quét không gian điện tử và trạm chỉ huy trên khung gầm của xe chuyên dụng BAZ. Hệ thống được trang bị hai loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tên lửa tầm trung 9M96 được thiết kế để tiêu diệt bất kỳ vật thể khí động học và vật thể bay theo đường đạn đạo nào ở khoảng cách gần 120km. Trong khi đó, tên lửa tầm ngắn 9M100 đánh chặn các mục tiêu ở khoảng cách 15km. Đó là những vật thể chủ yếu bay ở tầm thấp (tên lửa hành trình, máy bay không người lái - UAV).
Tổ hợp phòng không tên lửa S-350 Vityaz (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Hệ thống hoả lực hạng nặng
Hệ thống hoả lực hạng nặng TOS-2 Tosochka cũng lần đầu tiên xuất hiện. Đây là hệ thống phun lửa nặng, hay còn được gọi là pháo phản lực nhiệt áp, thường biên chế cho các đơn vị xe tăng trong vai trò hỏa lực trực tiếp.
Hệ thống hoả lực hạng nặng TOS-2 Tosochka (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Điều làm nên sự khác biệt của hệ thống TOS-2 đó là giàn phóng sử dụng khung gầm xe bọc thép kháng mìn bánh lốp Ural-63706-0120 Typhoon-U. Bên trong cabin điều khiển được trang bị máy tính đạn đạo, hệ thống điều hướng quán tính và hệ thống ngắm tiên tiến.
Vũ khí này được thiết kế để đốt cháy và phá hủy những tòa nhà, hầm ngầm và công trình quân sự cũng như sát thương sinh lực của kẻ thù. TOS-2 tương tự TOS-1 Buratino sẽ bắn đi những quả rocket 220mm lắp đầu đạn nhiệt áp có độ hủy diệt rất cao.
TOS-2 Tosochka (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Đây là một vũ khí độc đáo bởi các giải pháp kỹ thuật kết hợp, nhiệm vụ được giao và hiệu quả chiến đấu theo đánh giá không có đối thủ trên thế giới. Những hệ thống TOS-1 và giờ là TOS-2 có khả năng bắn cả đạn nhiệt áp và đạn khói.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển BAL
Cũng là lần đầu tiên được trình diễn tại cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng lần này, BAL có tầm bắn lên tới 120km và được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống hạm cận âm X-35 để tiêu diệt các tàu có lượng giãn nước không quá 5.000 tấn.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển BAL (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
X-35 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, mưa hay gió và có thể khắc phục tình trạng nhiễu sóng điện tử, có nhiệm vụ bảo vệ vùng bờ biển khỏi các đội quân đổ bộ và các tàu hộ tống. Một tổ hợp Bal chứa tối đa 4 bệ phóng, 2 trạm chỉ huy - kiểm soát cùng một số lượng lớn bộ chuyển đổi có tên lửa dự phòng. Tổng số tên lửa được trang bị cho một tổ hợp lên đến 64 quả.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển BAL (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Nhờ hệ thống dẫn đường hiện đại, tổ hợp tên lửa Bal có thể tấn công cùng lúc 6 mục tiêu hải quân. Tên lửa có thể phóng từ phía sau hàng rào tự nhiên hoặc hàng rào nhân tạo cao tới 1km, chẳng hạn như vách đá ở vùng ven biển. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống có thể được lắp đặt trong một khu vực được bảo vệ chặt chẽ, tránh xa lực lượng tình báo của đối phương.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars
Tên lửa RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M, được phóng thử lần đầu vào năm 2007. RS-24 Yars có thể mang theo 6 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Điểm nổi trội của RS-24 là khả năng tăng tốc cực nhanh. Chúng bay nhanh hơn nhiều so với các phiên bản tiền nhiệm. Cùng khả năng tác chiến độc lập của các đầu đạn sau khi tách khỏi tên lửa, những đầu đạn này lại bay với các quỹ đạo linh hoạt khiến cho việc đánh chặn cực kỳ khó khăn. Ngoài việc triển khai ở các hầm phóng cố định, trên xe lưu động, Yars còn có thể phóng từ tàu hoả.
Tên lửa RS-24 Yars (Nguồn: Truyền hình Ngôi sao - Bộ Quốc phòng Nga)
Bộ Quốc phòng Nga xác định, tên lửa đạn đạo Topol-M và RS-24 Yark sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của thành phần mặt đất trong bộ ba hạt nhân của Nga và sẽ chiếm không dưới 80% kho vũ khí hạt nhân của lực lượng hạt nhân chiến lược vào năm 2026.
Không quân
Tham gia lễ duyệt binh còn có 16 nhóm bay với tổng số 75 máy bay. Mở màn là các máy bay Mi-26, Mi-8, lần lượt sau đó là nhóm Mi-35, Ka-52, trực thăng hoả lực Mi-28.
Tiếp đến sẽ là các radar bay A-50, máy bay vận tải quân sự Il-76, máy bay tiếp nhiên liệu Il-78; các loại máy bay chiến lược gồm máy bay mang tên lửa Tu-160 Thiên nga trắng, Tu-95MS, Tu-22M2…
Cùng với các máy bay chiến đấu Mig-29, Su-24 sẽ xuất hiện Mig-31K trang bị tên lửa siêu thanh Kinzal - Dao găm, máy bay thế hệ 5 Su-57. Và không thể thiếu màn trình diễn của các máy bay tiêm kích Su-25 vẽ lên bầu trời Moskva làn khói ba màu quốc kỳ Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!