Lũ lụt sau bão Boris khiến các con sông vỡ bờ ở các khu vực phía Nam và Tây Nam Ba Lan (Ảnh: IMAGO)
Bà von der Leyen cho biết đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các nước châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Ngoài ra, EU có thể sử dụng Quỹ Đoàn kết để hỗ trợ tái thiết và khắc phục hậu quả. EU hiện có hai nguồn là Quỹ Liên kết và Quỹ Đoàn kết, có thể sử dụng để hỗ trợ tài chính nhằm sửa chữa và tái thiết cơ sở hạ tầng.
Trong tuần qua, mưa lớn bất thường đã gây lũ quét tàn phá nhiều khu vực rộng lớn tại Áo, Ba Lan, Romania và Cộng hòa Czech. Thảm họa thiên tai đã khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề.
Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các sự kiện thời tiết bất lợi gần đây. Một số nhà máy và hệ thống cửa hàng lớn đã buộc phải tạm ngừng sản xuất, bao gồm nhà máy hóa chất BorsodChem ở Ostrava, nhà máy sản xuất đồ uống Kofola CeskoSlovensko và nhà máy OKK Koksovny - một trong những nhà sản xuất than cốc lớn nhất châu Âu.
Một khu vực ở biên giới Ba Lan - Czech chìm trong nước lũ (Ảnh: AP/DPA)
Ba Lan, Hungary cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt lên đỉnh điểm. Chính phủ các nước này đã triển khai đội ngũ cứu hộ cùng cảnh sát và tình nguyện viên để hỗ trợ gia cố hệ thống đê bao nhằm phòng chống các nguy cơ tiếp theo.
Bộ Quốc phòng Đức đã đề nghị gửi quân đội đến Ba Lan để cứu hộ các khu vực bị lũ lụt nghiêm trọng. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã xác nhận sự hỗ trợ của Đức. Khu vực Tây Nam Ba Lan đang bị nước lũ nhấn chìm và hiện có khoảng 16.000 binh lính được triển khai để xử lý cuộc khủng hoảng.
Hiện nay, các biện pháp phòng hộ vẫn tiếp tục được triển khai khi dự báo tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Sau khi hoành hành tại nhiều nước ở Trung, Đông và Nam Âu, bão Boris tiếp tục đổ bộ vào Italy gây lũ lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề, khiến khoảng 1.000 người phải sơ tán. Trong đó, thành phố Ravenna - một trong hai nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất - được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Đợt lũ lụt tồi tệ nhất tấn công miền Trung châu Âu trong ít nhất 2 thập kỷ đã để lại hậu quả tàn khốc, thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Theo các chuyên gia khí tượng, tại Địa Trung Hải và Biển Đen, nhiệt độ đang tăng một cách bất thường, ấm hơn từ 3 - 5oC, trong một số trường hợp còn đạt mức ấm kỷ lục, làm tăng hơi ẩm, sau đó gây mưa nhiều hơn khi tiếp xúc với núi cao hoặc không khí lạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!