Lớp giáp của xe tăng Mỹ không đủ dày
Hôm 29/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, vũ khí Mỹ đang giúp ổn định chiến tuyến ở Ukraine trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công và Washington sẽ "thích nghi và điều chỉnh" sự hỗ trợ của mình. Trong khi đó, những chia sẻ của lính Ukraine trên chiến trường qua sự tìm hiểu của phóng viên CNN lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.
Các đội lái xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã tiết lộ với phóng viên CNN về một loạt điểm yếu và sai sót của các xe bọc thép, gây nghi ngờ về khả năng hữu dụng của chúng trong các cuộc giao tranh ác liệt với quân đội Nga trên chiến trường.
Lớp giáp của xe tăng M1A1 Abrams được cho là không đủ dày để bảo bệ kíp lái (Ảnh: CNN)
Đầu tháng 8/2023, Mỹ chính thức phê duyệt việc chuyển lô xe tăng Abrams đầu tiên cho Ukraine. Washington đã quyết định gửi xe tăng M1A1 Abrams từ kho dự trữ của lực lượng vũ trang thay vì M1A2 Abrams như đã đề cập ban đầu. Đến cuối tháng 9/2023, chiếc xe tăng M1 Abrams đầu tiên đã chính thức có mặt tại Ukraine.
Lữ đoàn cơ giới số 47 là đơn vị duy nhất của Ukraine vận hành mẫu xe tăng do Mỹ sản xuất. Một binh sĩ thuộc Lữ đoàn 47, đóng quân ở Donbass, nói với CNN rằng: "Lớp giáp của xe tăng không đủ dày để bảo vệ kíp lái. Thực tế hiện tại là cuộc chiến của máy bay không người lái, vì thế mỗi khi xe tăng này xuất hiện, đối phương luôn tìm cách phá hủy chúng".
Lữ đoàn 47 đang nghiên cứu các điều chỉnh thực địa cho M1A1, bao gồm lắp các hộp bọc thép phản ứng nổ cũng như các khung dây.
Binh sĩ Ukraine đang tìm cách khắc phục nhược điểm của xe tăng M1 Abrams (Ảnh: CNN)
Quân đội Đức trước đây từng nói rằng xe tăng chiến đấu chủ lực trị giá 10 triệu USD của quân đội Mỹ được sử dụng ở Iraq để chống lại lực lượng và quân nổi dậy của Saddam Hussein thiếu áo giáp để ngăn chặn vũ khí hiện đại.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết vào tháng 4 rằng xe tăng Abrams đã được rút khỏi tiền tuyến do mối đe dọa từ máy bay không người lái của Nga, mặc dù Lữ đoán 47 cho biết một số chiếc vẫn hoạt động, bất chấp những sai sót và nhược điểm.
Phần lớn chiến tuyến của Ukraine hiện bị chi phối bởi việc sử dụng máy bay không người lái, những thiết bị nhỏ và chính xác có thể tấn công bộ binh và thậm chí gây thiệt hại đáng kể cho xe tăng. Sự ra đời của những chiếc máy bay không người lái được gọi là Tầm nhìn Người thứ nhất (FPV) đã thay đổi bản chất của cuộc chiến, hạn chế sự di chuyển và là yếu tố dễ gây thương tích cho xe bọc thép.
Lữ đoàn 47 của Ukraine đã phải nỗ lực hết mình vượt qua những hạn chế của xe tăng Abrams một cách khó khăn trong các trận chiến kịch liệt quanh thị trấn Avdiivka, nơi lực lượng Nga cuối cùng đã giành quyền kiểm soát vào tháng 2. Một lính lái xe tăng Ukraine đã bị mất một chân khi lớp giáp của xe bọc thép bị xuyên thủng.
Một số lính Ukraine cũng phàn nàn rằng trong điều kiện thời tiết mưa hoặc sương mù, hơi nước ngưng tụ có thể làm cháy các thiết bị điện tử bên trong xe tăng Abrams.
Đạn dược cũng là một vấn đề
Giống như những nơi khác trên chiến tuyến Ukraine, nhiều binh sĩ nước này nói rằng dường như họ đã chọn sai loại vũ khí cho cuộc chiến mà mình đang tham gia.
Một binh sĩ kể: "Chúng tôi đã gặp trường hợp xe tăng của Mỹ bắn 17 phát đạn vào một ngôi nhà mà nó vẫn đứng vững. Hiệu suất kém hiệu quả của xe tăng đã bị các nhà phân tích Nga chế nhạo, gọi chúng là "lon thiếc rỗng". Một số xe tăng Mỹ đã bị quân Nga tịch thu và trưng bày "chiến lợi phẩm" ở Moscow.
Kiev từ lâu đã than phiền về việc thiếu pháo binh và không quân. "Chúng tôi không có máy bay và pháo binh. Chúng tôi chỉ có xe tăng. Và đó là vấn đề" - một binh sĩ phàn nàn.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ukraine nói với CNN: "Ukraine hiện đang thử nghiệm và cải tiến các thiết bị mà ban đầu không được chuẩn bị cho cuộc chiến. Chúng tôi đang yêu cầu tất cả các nước hỗ trợ trang bị ở mọi cấp độ năng lực kỹ thuật".
Một binh sĩ Ukraine kể rằng đã gặp trường hợp xe tăng Mỹ bắn 17 phát đạn vào một ngôi nhà mà nó vẫn đứng vững (Ảnh: CNN)
Các đồng minh của Kiev đã dần dần vượt qua ranh giới đỏ về những thiết bị mà họ từng từ chối cung cấp. Máy bay F-16 của Bỉ có thể đến Ukraine trong những tháng tới.
Oleksandr Syrsky, chỉ huy quân sự của Ukraine, cho biết ông đã ký các giấy tờ ban đầu cho phép Pháp gửi các huấn luyện viên quân sự đến nước này để cố gắng giải quyết vấn đề nhân lực khẩn cấp ở tiền tuyến. Bộ Quốc phòng Pháp từ chối xác nhận kế hoạch này nhưng cho biết kế hoạch này và các ý tưởng khác đã được thảo luận từ lâu.
Động thái này sẽ đánh dấu sự leo thang đáng kể trong việc phương Tây can dự vào cuộc chiến Nga - Ukaine, hiện đã bước sang năm thứ 3. Mỹ cũng đang hợp tác với các đồng minh châu Âu để giúp Ukraine xây dựng lực lượng với nỗ lực nhằm đưa Kiev đến gần hơn với NATO.
Trong sự mòn mỏi chờ đợi sự viện trợ từ phương Tây, những người lính Ukraine đều chung một suy nghĩ rằng bất cứ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp thiết bị hoặc hỗ trợ đều phải trả giá bằng chính mạng sống của chính họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!