Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa có chuyến thăm tới Nhà Trắng, được dự đoán có thể là chuyến công du cuối cùng của bà Merkel tới Mỹ với tư cách Thủ tướng. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong chuyến thăm này là quan điểm các bên về tương lai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án đường ống dẫn khí đi qua biển Baltic, nối thẳng từ Nga tới Đức.
Đối với Nga và Đức, đây đơn thuần chỉ là dự án vì các lợi ích kinh tế nhưng lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ nhiều quốc gia châu Âu và đặc biệt là cả Mỹ. Nhiều lệnh trừng phạt đã được Mỹ đưa ra từ khi dự án khởi động nhưng đến nay, Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn đã đạt 98% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vào cuối năm.
Dự án gây tranh cãi
Dòng chảy phương Bắc 2, tuyến dẫn khí đốt gồm 2 đường ống đi qua biển Baltic. Đây là dự án mở rộng sau tuyến dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 cũng nối trực tiếp từ Nga tới Đức qua biển Baltic được đưa vào sử dụng từ năm 2011.
Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km, sẽ tăng gấp đôi công suất hệ thống đường ống dưới biển hiện tại từ các mỏ năng lượng của Nga tới châu Âu, từ 55 tỷ m3/năm hiện nay lên 110 tỷ m3/năm. Đường ống dẫn khí này cũng sẽ giúp Đức đảm bảo nguồn cung khí đốt với chi phí tương đối thấp giữa bối cảnh việc sản xuất ở châu Âu đang giảm dần.
Lắp đặt đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Ảnh: Ria Novosti)
Đức cũng giải thích việc cần nhiều chất đốt hơn do nước này đang rút dần khỏi việc sử dụng năng lượng hạt nhân và than đá, vốn chiếm khoảng lần lượt 14% và 30% việc sản xuất điện. Trước khi Dòng chảy phương Bắc 1 hoạt động, tức là trước năm 2011, Nga vận chuyển 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu tới châu Âu bằng hệ thống đường ống đi qua Ukraine.
Được khởi công từ năm 2018, dự án trị giá 11 tỷ USD này là sáng kiến của công ty sản xuất khí đốt Gazprom của Nga và 5 đối tác châu Âu. Theo quan điểm của Gazprom, việc đa dạng hóa đường vận chuyển nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế, tránh những gián đoạn như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Đối với Nga, đây chỉ là một dự án kinh tế.
Thật không may, có rất nhiều suy đoán chính trị xung quanh dự án nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là một dự án kinh tế thuần túy và nó không liên quan gì đến chương trình nghị sự chính trị ngày nay. Có rất nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh dự án nhưng theo tôi, nó chủ yếu liên quan đến những nỗ lực cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường châu Âu
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định
Tuy nhiên, việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.
Sản lượng khai thác khí tự nhiên hóa lỏng ở Mỹ đã tăng nhanh hơn tốc độ tiêu thụ, do đó, nếu để mất thị trường châu Âu, giá khí đốt của Mỹ sẽ lao dốc do dư cung. Đứng trước thực trạng này, năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã ban hành các lệnh trừng phạt lên các công ty liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ vào năm nay.
Quan điểm của tôi về Dòng chảy phương Bắc 2 là phản đối từ đầu, những người bạn tốt có thể không đồng ý. Và vào thời điểm tôi trở thành Tổng thống, nó đã hoàn thành 90% và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt dường như không có ý nghĩa gì
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết
Một đồng minh của Mỹ là Ukraine đã phản đối kịch liệt quyết định này. Ukraine lo ngại, khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Nga hoàn toàn có thể chỉ vận chuyển khí đốt qua đường ống này mà không sử dụng đường ống đi qua Ukraine nữa. Từ đó, nước này sẽ mất đi khoản phí trung chuyển 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức khẳng định, Ukraine vẫn giữ vai trò của mình sau khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành.
Đối với chúng tôi, Ukraine đang và sẽ vẫn là một quốc gia trung chuyển, ngay cả khi Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành. Có những lo ngại lớn từ phía Ukraine. Chúng tôi rất coi trọng họ và sẽ làm mọi cách để làm rõ rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không thay thế cho việc vận chuyển quá cảnh qua Ukraine
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định
Chỉ còn 100 km đường ống nữa là dự án hoàn thành, bất chấp những tranh cãi còn tồn tại. Chính phủ Đức cam kết sẽ đưa đường ống vào vận hành cuối năm nay. Khi đó, châu Âu sẽ được tiếp cận nguồn khí đốt ổn định, mang lại lợi ích cho khu vực.
Mỹ và Đức tìm "lối thoát" cho Dofngg chảy phương Bắc 2
Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng, khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành sẽ cho phép Nga sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng và gây áp lực với châu Âu. Đồng thời Mỹ cũng lo ngại quyền lợi của Ukraine và của cả chính người Mỹ sẽ bị mất mát khi đường ống này hoàn tất.
"Tôi nhắc lại những lo lắng về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Bà Merkel và tôi thống nhất quan điểm rằng, Nga không được phép sử dụng năng lượng như một vũ khí để ép buộc hay đe dọa các nước láng giềng" - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Mỹ và Đức hiện có những đánh giá khác nhau về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vốn đã hoàn thành tới 98% khối lượng công việc. Ông Joe Biden cho rằng, đường ống này sẽ đe dọa an ninh và kinh tế Ukraine vì nước này sẽ mất đi nguồn thu đáng kể từ vận chuyển khí đốt. Phía Đức trấn an Mỹ và các nước rằng, dự án này không thay thế các đường ống vận chuyển từ Ukraine.
"Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án bổ sung và đây chắc chắn không phải là dự án thay thế cho bất kỳ hình thức vận chuyển khí đốt qua Ukraine" - Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tiếp tục theo dõi trên thực tế để xác định xem an ninh năng lượng của châu Âu có được củng cố hay bị suy yếu từ các hành động của Nga. Mỹ tuyên bố đang hợp tác với Đức để giảm thiểu mọi tác động từ việc hoàn tất dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Cân bằng ảnh hưởng tại châu Âu
Dòng chảy phương Bắc 2 nhiều năm qua cũng gây ra sự chia rẽ giữa các nước khu vực châu Âu. Tuy nhiên, sự chia rẽ chủ yếu là vì yếu tố lợi ích giữa nhóm nước được hưởng lợi và nhóm nước không được hưởng lợi. Ngoài ra, dự án còn chịu tác động từ những ngại về môi trường, an ninh quốc gia, an ninh năng lượng. Cân bằng ảnh hưởng tại châu Âu vẫn là bài toán được đặt ra với dự án này, đặc biệt trong bối cảnh dự án nhiều khả năng vẫn hoàn thành theo kế hoạch vào cuối năm nay và nước Đức cũng sẽ có một Thủ tướng mới vào cuối năm.
Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Zenlensky đã có cuộc gặp khẩn với Thủ tướng Đức. Tại đây, ông đã bày tỏ lo ngại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khi hoạt động có thể làm mất đi hàng tỷ USD phí trung chuyển phần lớn khí đốt của Nga sang châu Âu từ trước tới nay. Ông đặt hy vọng vào việc Mỹ và Đức đưa ra các đảm bảo an ninh năng lượng cho nước này. Tổng thống Ukraine Zenlensky còn nhấn mạnh vấn đề an ninh đối với khu vực châu Âu.
Chúng tôi cho rằng, đây là một hiểm họa lớn, được che giấu khéo léo dưới một dự án kinh tế. Ngày nay, tuyến đường vận chuyển khí đốt của Ukraine đến châu Âu là một biện pháp răn đe quan trọng. Chúng tôi tin rằng sự ra mắt của dòng chảy phương bắc 2 gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh trong khu vực
Tổng thống Ukraine Zenlensky cho biết
Trong số các nước thành viên EU, Đức, Hà Lan và Áo ủng hộ việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Chính phủ Đức coi dự án này là một động thái tích cực và luôn nhấn mạnh rằng, đây hoàn toàn là một "dự án về kinh tế". Thủ tướng Áo cũng ủng hộ lập trường của Đức và miêu tả Dòng chảy phương Bắc 2 là một "dự án của châu Âu" và khẳng định, bất kỳ ai tin rằng đường ống dẫn khí mới này chỉ phục vụ lợi ích của Nga đều đã sai lầm.
Trong khi đó, Ba Lan và Litva phản đối việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2. Tháng 2/2021, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi chấm dứt dự án này khi cho rằng ảnh hưởng của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu đã quá lớn. Pháp cũng hối thúc Đức dừng việc xây dựng đường ống dẫn khí trên.
Dự án hợp tác này cũng gặp nhiều sự phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước EU như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic - nơi mà đường ống đi qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!