Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 07/11/2021 10:24 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao cộng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch đã khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt ở châu Âu.

Gần 2 năm kể từ đại dịch bùng phát và lan rộng ra toàn cầu, đã có hơn 5 triệu người trên thế giới tử vong vì COVID-19. Chỉ trong 110 ngày, số ca tử vong vì COVID-19 tăng từ 4 triệu lên 5 triệu ca. Trung bình mỗi ngày có hơn 8.000 người trên thế giới tử vong vì COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới thậm chí còn cảnh báo số người tử vong vì COVID-19 trên thực tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với số liệu chính thức mà các quốc gia công bố. Số người nhiễm COVID-19 cũng lên đến gần 250 triệu người do sự lây lan nhanh của biến thể Delta.

Những ngày này, châu Âu liên tục chiếm sóng trong các bản tin COVID-19 khi số ca mắc mới và tử vong đang tăng theo chiều hướng đặc biệt lo ngại. Các nước châu Âu đang bước vào mùa đông lạnh lẽo với số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng lên mức báo động, Nga liên tiếp ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 ở mức cao nhất, mỗi ngày có hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19, và con số này chưa hề giảm xuống.

Ông Sergey Glukhnov - Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Barnaul, Nga cho biết: "Dịch bệnh năm nay trầm trọng hơn nhiều so với năm ngoái, số bệnh nhân trẻ tuổi tăng lên đáng kể, nhiều người không ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đây không chỉ là thảm họa của bệnh viện chúng tôi mà trên khắp đất nước, đó là lý do tại sao các bác sỹ đã phải điều động đến Moscow, St Petersburg và các thành phố khác".

Nga yêu cầu người dân nghỉ làm, các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và khuyến khích người dân đi tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm phòng ở Nga rất thấp mặc dù nước này là nước sản xuất vaccine Spunik V, vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới.

Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng - Ảnh 1.

Tại Romania, nhiều y bác sỹ hoàn toàn chưa được chuẩn bị tinh thần cho những tình huống khó khăn phải đối mặt trong nhà xác

Romania, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu cũng đang phải hứng chịu số ca tử vong vì COVID-19 tăng chóng mặt. Cứ 5 phút có 1 người tử vong vì COVID-19. Ông Catalin Apostolescu - Giám đốc bệnh viện Matei Bals, Romania chia sẻ: "Bệnh viện của chúng tôi hoạt động với 110% công suất, phòng cấp cứu không đủ chỗ cho bệnh nhân, nhiều người đã nằm đây trong mấy ngày qua".

Khi đã nằm viện bệnh nhân mới hối hận không tiêm vaccine khi có cơ hội. Bà Elena Croitoru - Bệnh nhân COVID- 19 nói: "Bây giờ tôi rất hối tiếc, nếu có thể bắt đầu lại, tôi sẽ xếp hàng tiêm phòng đầu tiên".

Nhiều nước châu Âu khác như Đức, Áo, Slovakia, Ba Lan cũng đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 cao chưa từng thấy. Với hơn 80 triệu người mắc COVID-19, số ca nhiễm ở châu Âu hiện cao hơn tổng số ca nhiễm ở Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. WHO đã cảnh báo về một thảm họa COVID-19 tại châu Âu.

Châu Âu có thể ghi nhận nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 vào tháng 2/2022

Ông Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO đánh giá: "Tốc độ lây nhiễm trên khắp 53 quốc gia của khu vực châu Âu rất đáng lo ngại. Biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm COVID-19 một lần nữa tăng ở mức cao nhất. Với tốc độ như hiện nay, đến tháng 2 năm sau, châu Âu có thể ghi nhận nửa triệu ca tử vong vì COVID-19".

Ông Mike Ryan - Giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp của WHO, cho rằng những gì xảy ra ở châu Âu là điều mà các nước khác cần đề phòng. "Châu Âu có vaccine, có năng lực y tế, có tiền, có hệ thống ứng phó sẵn sàng, trong khi nhiều nơi khác không có được những thứ như thế. Tôi cho rằng đây là phát súng cảnh báo đối với thế giới về những gì đang xảy ra ở châu Âu ngay cả khi vaccine dồi dào".

Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng - Ảnh 2.

Số ca mắc và tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Anh hiện nay rất đáng báo động. Ảnh: AP

Các biện pháp nghiêm ngặt nhất đang được một số nước áp dụng trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi mùa Giáng sinh và Tết đang đến gần.

Các nước Đông Nam Á mở cửa trong thận trọng

Mấy ngày qua, ở Việt Nam số ca nhiễm mới lại đang có chiều hướng tăng, như ngày 6/11 là hơn 7.000 người. Ở các nước khác như Singapore, dù là nước nhỏ, dân số ít nhưng nhiều ngày liên tiếp gần đây vẫn ghi nhận chừng 3.000 ca nhiễm. Các nước Đông Nam Á đang dần dần mở cửa trở lại sau đợt sóng lây nhiễm hồi mùa hè. Mở cửa, có nghĩa là chấp nhận tỷ lệ ca nhiễm tăng, nhưng vấn đề là kiểm soát để tổn thất tử vong ở mức thấp nhất có thể.

Lào, Singapore, Việt Nam là ba quốc gia trong khu vực chứng kiến số ca nhiễm mới đang có chiều hướng gia tăng trở lại trong những tuần gần đây. Trong đó Singapore ngày 29/10 vừa qua đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc - mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Ông Ong Ye Kung - Bộ trưởng Y tế Singapore nói: "Việc gia tăng số ca nhiễm mới theo ngày mà chúng ta đang thấy ở Singapore chính là những gì mà bất kể nước nào cũng gặp phải ở một thời điểm nhất định nào đó khi tìm cách sống chung với COVID-19".

Gần 5.000 ca tử vong được ghi nhận tại Đông Nam Á trong tuần cuối tháng 10 vừa qua. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca tử vong vẫn là điều đáng lo ngại. Như tại Malaysia, hơn một nửa ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là chưa tiêm chủng. Hai tháng qua, từ ngày 1/9-30/10, có hơn 4.000 người chưa tiêm chủng tử vong vì COVID.

Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng - Ảnh 3.

Singapore tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Ảnh: AP

Hiện tại hầu hết các nước Đông Nam Á đang chọn sống chung với COVID-19, nhưng mỗi nước lại có cách tiếp cận riêng về những số liệu phòng dịch. Như tại Singapore, với chiến lược sống chung với COVID-19, đảo quốc này dự báo có thể sẽ ghi nhận khoảng 2.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi năm. Hai con số được quan tâm là sẽ là tỷ lệ giường bệnh ICU và tỷ lệ tử vong. Hiện tỷ lệ lấp đầy giường ICU ở nước này là 60%.

Ông Janil Puthucheary - Quốc vụ khanh cao cấp phụ trách y tế Singapore: "Chúng tôi đang mở rộng quy mô ICU, những nỗ lực hiện tại vẫn đang thành công. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Singapore chỉ là 0,2% so với mức 3% của các nước khác, tỷ lệ này chỉ tương đương với tỷ lệ tử vong do bệnh viêm phổi thời trước COVID. Trước đại dịch, mỗi năm Singapore có khoảng 4.000 bệnh nhân tử vong do cúm, viêm phổi do virus và các bệnh hô hấp khác".

Việt Nam thì hành động theo phân loại 4 cấp độ màu, dựa trên 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn đang là đẩy nhanh tiêm chủng và mở cửa sống chung với dịch.

Campuchia tuần này đã chính thức mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực. Cũng trong tuần này, Thái Lan chính thức mở cửa biên giới quốc tế mà không cần cách ly. Indonesia thì đang hối thúc thiết lập hành lang đi lại an toàn trong ASEAN. Ước tính, hoạt động đi lại nội khối ASEAN chiếm khoảng 40% lưu lượng đi lại tại khu vực và là chìa khóa cho việc phục hồi.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: "Khuôn khổ hành lang đi lại ASEAN cần phải được thực hiện ngay lập tức. Nếu tất cả các nước ASEAN ngay lập tức tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn của người dân, bánh xe kinh tế sẽ sớm vận hành trở lại".

Việc mở cửa sẽ đang được duy trì, nhưng nỗi lo lắng dịch bệnh luôn thường trực. Hệ thống y tế các nước vẫn đang căng thẳng ứng phó nhằm tránh viễn cảnh đen tối phải đóng cửa nhiều khu vực như các đợt dịch trước.

Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng - Ảnh 4.

Đợt dịch mới đã lan ra gần 1/3 số tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: AP

Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược Zero COVID-19

Tại Trung Quốc, đợt sóng dịch này bắt nguồn từ những trường hợp đi du lịch nước ngoài về. Nhưng khác với phần lớn các nước trên thế giới, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược Zero COVID - tức là quét sạch không còn ca COVID-19 nào trong cộng đồng.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương tại Trung Quốc, bất chấp các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Tính từ tháng 10 đến nay, trên 600 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại 19 trên tổng số 31 tỉnh thành của Trung Quốc.

Ông Chung Nam Sơn - Chuyên gia dịch tễ học: "Việc kiểm soát dịch bệnh phụ thuộc vào toàn bộ tình hình đại dịch trên toàn thế giới. Cho dù Trung Quốc có làm tốt đến đâu, nếu vẫn còn nhiều bệnh nhân COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì Trung Quốc khó có thể mở cửa được".

Dù vậy, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách Zero COVID-19, sử dụng các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại. Ông Chung Nam Sơn cho biết thêm: "Chúng tôi đã phân loại và tổng hợp một số khía cạnh dựa trên kinh nghiệm chống dịch. Đầu tiên, chúng tôi cần tìm ra 'Bệnh nhân zero' đến từ đâu. Thứ hai, chúng tôi phải xác định chuỗi lây nhiễm, điều này rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Thứ ba, chúng ta phải tìm những người tiếp xúc gần gũi của những người đã bị nhiễm COVID-19, dựa trên chuỗi lây nhiễm, điều này cho phép chúng ta sàng lọc chính xác ổ dịch. Và thứ tư, nếu có nhiều ca nhiễm ở một khu vực, chúng tôi phải tiến hành thử nghiệm axit nucleic lớn cho toàn bộ dân số và tiến hành xét nghiệm khu vực".

Hiện những tỉnh thành có dân số ít đã đưa vào sử dụng các phòng xét nghiệm di động để xét nghiệm đại trà, mỗi ngày cho kết quả 380 ngàn người. Đối với địa phương có dân số nhiều, nước này dùng phòng xét nghiệm bơm hơi dã chiến, ra kết quả đến 2 triệu người/ngày. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc tiêm phòng. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã tiêm hơn 2 tỷ 285 triệu liều vaccine, gần 77% dân số. Trung Quốc phấn đấu tiêm đủ 2 mũi cho từ 80-85% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay. Có thể nói, Trung Quốc sử dụng song song biện pháp phủ rộng tiêm chủng vaccine và truy vết để thực hiện chiến lược Zero COVID-19. Nhưng các ổ dịch mới liên tục xuất hiện sẽ là thách thức lớn đối với chiến lược này.

Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng - Ảnh 5.

Trẻ em từ 5-11 tuổi ở Mỹ sẽ sớm được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech - Ảnh: BCC

44 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn tiêm chủng vaccine cho trẻ em

Dù chiến lược của mỗi quốc gia như thế nào, chấp nhận mở của ra sao, thì vấn đề đặt ra vẫn là cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn để kiểm soát hiệu quả COVID-19. Trước nguy cơ một làn sóng dịch mới xảy đến trong mùa đông năm nay, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO ông Ghebreyesus đã phát biểu rằng, cần sửa mái trước khi trời mưa. Cần cảnh giác và chuẩn bị, bởi như chúng ta đã thấy qua những bài học đau lòng vừa qua, đuổi theo dịch thì sẽ vất vả và khó khăn như thế nào. Để không phải mất hàng tỷ USD chống dịch, thì cần chủ động ứng phó và tiến tới kiểm soát đại dịch về lâu dài. Trong tuần vừa qua, các nước trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em. Không ai được an toàn trừ khi tất cả được an toàn. Vì thế các em cần được tiêm chủng để an toàn trở lại trường học.

Bác sĩ Keith Grant - Bệnh viện Hartford Healthcare, Connecticut, Mỹ: "Dựa trên quyết định của CDC và FDA cho phép nhóm tuổi 5-11 được tiêm chủng, giờ đây chúng ta có thể mở rộng dân số đủ điều kiện tiêm chủng thêm khoảng 28 triệu người".

Không chỉ riêng Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Tuy nhiên độ tuổi sớm nhất có thể tiêm phòng vaccine COVID-19 của mỗi nước lại có sự điều chỉnh riêng. Trẻ em từ 16 tuổi trở lên được nhiều quốc gia cho phép tiêm chủng. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên được nhiều các quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương tới châu Phi đã triển khai cho tiêm, phê chuẩn hoặc xem xét. Trẻ em từ độ tuổi 3 - 17 tuổi được Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đưa vào diện được tiêm. Còn Cuba và Ấn Độ cho phép triển khai tiêm với trẻ em từ 2 đến 6 tuổi. Hiện một số công ty dược phẩm cũng đã chuyển sang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi và khả năng vaccine cho những trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp vào cuối năm nay.

Có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang coi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp chủ chốt để tiến tới mở cửa trường học, cho phép trẻ em tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Việc tiêm chủng cho trẻ em cũng giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác và giúp nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó góp phần bảo vệ xã hội trước virus SARS-CoV-2.

Hơn 1000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong 1 ngày tại Indonesia Hơn 1000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong 1 ngày tại Indonesia

VTV.vn - Trong 24 giờ qua tại Indonesia có 1.040 ca tử vong, gần gấp đôi so với 2 ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong 1 ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước