Mức tăng nhiệt 2 độ C không còn là ngưỡng an toàn

TTXVN-Thứ bảy, ngày 07/04/2018 14:49 GMT+7

Hiện tượng nóng lên xảy ra trên toàn cầu - Ảnh: CNN

VTV.vn - Việc nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp sẽ khiến tốc độ tan băng tại Bắc Băng Dương nhanh gấp 10 lần so với mức tăng nhiệt 1,5 độ C.

Các tảng băng ở Bắc cực sẽ biến mất trong một vài năm nữa cho dù con người nỗ lực kiểm soát hiện tượng ấm lên toàn cầu và duy trì nền nhiệt Trái Đất không tăng quá 2 độ C, vốn từ lâu được coi là "hàng rào an toàn" giúp bảo vệ thế giới trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Cảnh báo trên được đưa ra trong hai nghiên cứu riêng rẽ được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên số mới đây.

Theo hai nghiên cứu, việc nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp sẽ khiến tốc độ tan băng tại Bắc Băng Dương nhanh gấp 10 lần so với mức tăng nhiệt 1,5 độ C. Do đó, chỉ một sự chênh lệnh 0,5 độ C cũng mang lại sự "khác biệt lớn". Ngoài ra, nghiên cứu cũng kết luận rằng mức tăng nhiệt ở ngưỡng 2 độ C sẽ không ngăn chặn được những tác động nghiêm trọng như sự di cư hàng loạt do mực nước biển tăng, sự thiếu thốn nước và thực phẩm, cũng như sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 197 nước thông qua hồi năm 2015, các nước sẽ nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Với việc đến nay nền nhiệt trên toàn cầu đã tăng 1 độ C, Trái Đất đã phải chứng kiến sự gia tăng của hàng loạt thiên tai khắc nghiệt như các đợt hạn hán kéo dài, sóng nhiệt và các cơn bão mạnh do mực nước biển tăng. Sự sụt giảm diện tích băng biển ở Bắc cực không chỉ là hậu quả của tình trạng ấm lên toàn cầu, mà còn là một "chất gia tốc" khi hàng triệu km2 băng tuyết bị thay thế bởi đại dương xanh thẳm. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng sự thu hẹp khối lượng băng biển cũng có thể là nguyên nhân khiến thời tiết mùa Đông bị đảo lộn, khi có những ngày nền nhiệt ở cực Bắc được ghi nhận cao hơn 10 độ C so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Lớp băng biển Bắc cực có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của "Hành tinh Xanh", ngoài ra còn gián tiếp ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí quyển, đại dương, cộng đồng dân cư và hệ sinh thái quanh vùng cực. Băng biển Bắc cực thường "co lại" trong suốt mùa Xuân - Hè cho đến khi được mở rộng trở lại vào mùa Thu - Đông. Theo thống kê, vào mùa Hè năm ngoái, diện tích băng biển đã giảm còn 4,64 triệu km2 trong tháng 9, cao hơn mức thấp kỷ lục 3,39 triệu km2 được ghi nhận hồi năm 2012. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng lâu dài rằng trong hơn 4 thập kỷ qua, mức độ gia tăng tối thiểu của băng biển đã giảm khoảng 40%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước