Pháo phản lực HIMARS của Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine)
Quyết định trên được đưa ra, trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có chuyến công du tới Ukraine, bất chấp sự bế tắc tại Quốc hội Mỹ trong việc phê duyệt ngân sách lớn hơn.
Phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Lloyd Austin nói: “Hôm nay, tôi thông báo việc Tổng thống Mỹ sử dụng quyền rút vốn đặc biệt nhằm cung cấp bổ sung cho Ukraine đạn pháo, phương tiện đánh chặn để phòng không và một số vũ khí chống tăng với tổng trị giá 100 triệu USD".
Lầu Năm Góc xác nhận, gói viện trợ cho Ukraine mới nhất này sẽ bao gồm tên lửa phòng không FIM-92 Stinger, một Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và đạn bổ sung, đạn pháo 105 mm và 155 mm, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, FGM-148 Javelin, súng chống tăng AT-4, hơn ba triệu viên đạn vũ khí cá nhân, liều nổ phá chướng ngại vật, trang bị mùa đông, phụ tùng và các thiết bị phụ trợ khác.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, gói hỗ trợ quân sự trên sẽ “góp phần đáp ứng nhu cầu ngay lập tức của Ukraine" trong cuộc xung đột với Nga.
Phản ứng với việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, phía Nga nhiều lần khẳng định, những động thái này sẽ chỉ làm cuộc xung đột kéo dài và gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
Hôm 20/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các quốc gia phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine ngay lập tức và tiến hành đàm phán dựa trên tình hình thực tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa Hamas. Tuy nhiên, phe Cộng hòa tới nay chỉ thúc đẩy gói hỗ trợ cho Israel.
Mỹ là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với hơn 44 tỷ USD. Khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD được công bố vào ngày 20/11 cùng các gói viện trợ quy mô nhỏ gần đây đến từ số tiền phát hiện sau lỗi hạch toán của Lầu Năm Góc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!