Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 10/08/2021 13:35 GMT+7

Lệnh cấm thị thực của Mỹ ảnh hưởng tới hơn 1.000 sinh viên Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)

VTV.vn - Chính sách cấm thị thực đối với một số đối tượng sinh viên Trung Quốc được cho là sẽ gây nhiều thiệt hại cho ngành giáo dục và chất lượng của hoạt động nghiên cứu tại Mỹ.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của nhiều sinh viên Trung Quốc

Khi Dennis Hu về thăm nhà tại Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán 2020, anh nghĩ đây chỉ là một chuyến thăm ngắn ngày. Dennis Hu dự định sẽ tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng gia đình, gia hạn visa tại Mỹ và sau đó quay trở lại Boston để tiếp tục học năm thứ tư của chương trình tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Northeastern.

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 1.

Sinh viên người Trung Quốc Dennis Hu tại Boston, Mỹ (Nguồn: CNN)

Thế nhưng mọi thứ sau đó đã thay đổi một cách nhanh chóng. Ngày 28/5/2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lệnh cấm cấp thị thực cho các sinh viên từ một số trường đại học Trung Quốc đến Mỹ theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Washington lo ngại việc sinh viên Trung Quốc có thể thực hiện các hoạt động gián điệp trên đất Mỹ, và căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Anh Hu cho biết: "Lệnh cấm dựa trên một giả định đơn giản: nếu bạn đã từng học ở một trường nào đó tại Trung Quốc, bạn có thể bị nhắm tới và bị coi là gián điệp. Tôi nghĩ đây là chính sách phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch". Hu cũng khẳng định rằng lệnh cấm và đại dịch đã khiến cho việc học tập, sự nghiệp và cuộc sống của những du học sinh như anh hoàn toàn bị đảo lộn.

Tổng thống Trump sau đó đã ký một tuyên bố với tên gọi PP10043 về việc hạn chế cấp thị thực cho các sinh viên được cho là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố không nêu rõ ai sẽ bị cấm, nhưng Hu không khỏi cảm thấy lo lắng. Anh từng học tại Đại học Bách khoa Tây Bắc – một trong bảy trường đại học hàng đầu do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) quản lý. Bộ này cũng là cơ quan phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 2.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/5/2020 (Nguồn: CNN)

Lệnh cấm cùng tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến Hu quyết định lùi việc học của mình lại một năm. Giống như nhiều sinh viên khác, anh hy vọng sau chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, chính quyền mới sẽ sớm hủy bỏ các lệnh cấm.

Tuy nhiên, ngay cả khi nối lại việc cấp thị thực du học cho công dân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm trong tuyên bố PP10043. Mới đây, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với hãng truyền thông CNN rằng chính sách này "nhắm tới các mục tiêu trong phạm vi hẹp" khi chỉ ảnh hưởng tới chưa đầy 2% người Trung Quốc xin thị thực du học, và là biện pháp cần thiết để bảo vệ các cơ quan nghiên cứu của Mỹ cũng như lợi ích an ninh quốc gia.

Điều này khiến Hu rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Anh sợ rằng nếu nộp đơn xin thị thực mới để tới Mỹ, anh có thể bị hỏi về hồ sơ đại học của mình và bị từ chối theo tuyên bố PP10043.

Giấc mơ tan vỡ chỉ sau vài phút

Những lo ngại của Hu là có cơ sở, bởi trên thực tế, một số sinh viên Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh bi đát như vậy.

Kerry Fang đã mất nhiều năm học tập trước khi được nhận vào học chương trình tiến sĩ tại đại học California với học bổng toàn phần. Thế nhưng chỉ cần 10 phút để ước mơ của anh tan biến tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải hồi tháng trước.

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 3.

Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải, Trung Quốc (Nguồn: CNN)

Ban đầu, Fang cố gắng tránh nhắc đến việc anh đã học tại một trường có liên kết với quân đội Trung Quốc, bởi dù sao mọi thứ cũng đã diễn ra từ bảy năm trước. Anh cũng nhận được thư hỗ trợ từ trường đại học ở Mỹ của mình.

Thế nhưng, khi nhân viên tại lãnh sự quán Mỹ gặng hỏi, người đàn ông 30 tuổi này rốt cuộc cũng phải thừa nhận anh đã học tại Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân – một trường đại học hàng đầu khác có liên kết với MIIT.

Nhân viên này lập tức báo cáo với cấp trên, và chỉ vài phút sau, Fang nhận được thông báo từ chối với lời giải thích: "Vì lệnh cấm của Tổng thống, anh không thể xin được thị thực vào lúc này".

Fang chia sẻ một cách cay đắng: "Tôi đã tốt nghiệp đại học cách đây bảy năm, và lệnh cấm vẫn không cho phép tôi tới Mỹ".

Một thanh niên Trung Quốc khác là Wan cũng đã có trải nghiệm tương tự khi đi nộp đơn xin thị thực Mỹ hồi tháng Năm để theo học bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện và máy tính. Chàng trai 24 tuổi này từng nghe nói về một lệnh cấm liên quan đến sinh viên Trung Quốc hồi năm ngoái, nhưng anh không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến mình.

Tại lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu, Wan chỉ được hỏi hai câu: Anh đã học đại học ở đâu và chuyên ngành của anh là gì?

Khi nhân viên thị thực nghe thấy tên trường của Wan – Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh – một trường đại học khác trực thuộc MIIT, nét mặt của cô ấy đã thay đổi. Chỉ sau một đến hai phút, Wan được thông báo rằng đơn xin thị thực của anh bị từ chối kèm theo mảnh giấy có đóng dấu và dòng mã "PP10043".

Những trường hợp như Dennis Hu, Kerry Fang hay Wan không phải là hiếm. Theo các số liệu thống kê được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi năm ngoái, ít nhất 1.000 sinh viên Trung Quốc đã bị ảnh hưởng theo quy định mới của chính phủ Mỹ. Một số sinh viên bị từ chối cấp thị thực, trong khi những người khác bị thu hồi thị thực và trục xuất khỏi Mỹ. Nhiều người khác cũng được cho là đã quyết định không nộp đơn xin thị thực do lệnh cấm.

Sinh viên Trung Quốc có phải là mối đe dọa gián điệp hay không?

Trước đó, trong nhiều năm, giới tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng gián điệp sinh viên để đánh cắp các bí mật. Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) – một tổ chức tư vấn độc lập, cho biết việc tuyển dụng sinh viên là một phần trong chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự của Trung Quốc nhằm sử dụng dân thường để tăng cường sức mạnh quân sự. Xu hướng này được cho là đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, các sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thị thực khẳng định rằng họ hoàn toàn không phải là gián điệp. Một số đã cảm thấy thất vọng vì sự thiếu rõ ràng của lệnh cấm tới mức đã tiến hành gây quỹ cộng đồng để thuê luật sư nhằm khởi kiện chính phủ Mỹ.

Bắc Kinh đã gọi những tuyên bố về hoạt động gián điệp của sinh viên là vô căn cứ, đồng thời cho rằng những cáo buộc không có căn cứ này là biểu hiện của sự cố chấp, phân biệt đối xử và rốt cuộc sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của nước Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần hối thúc Mỹ rút lại các hạn chế về thị thực.

Dẫu vậy, những sự phủ nhận từ phía Trung Quốc cũng gặp khó phần nào bởi một số trường hợp gián điệp bị truy tố trên thực tế tại Mỹ trong những năm gần đây. Hồi năm 2019, Zaosong Zheng, - một nghiên cứu sinh tại một cơ sở nghiên cứu ung thư trực thuộc Đại học Havard - đã bị cáo buộc lấy cắp các mẫu nghiên cứu và tìm cách chuyển về Trung Quốc. Trước đó, hồi năm 2018, sinh viên Ji Chaoqun tới Mỹ du học cũng đã bị bắt giữ do nghi ngờ hoạt động gián điệp.

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 4.

Zaosong Zheng, một nghiên cứu sinh người Trung Quốc bị cáo buộc lấy cắp các mẫu nghiên cứu sinh học vào năm 2019 (Nguồn: Daily Mail)

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 5.

Ji Chaoqun, sinh viên người Trung Quốc bị Mỹ bắt giữ hồi năm 2018 vì tình nghi hoạt động gián điệp (Nguồn: The Times)

Theo ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại trung tâm Wilson đồng thời cũng là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh, mặc dù những rủi ro về an ninh từ du học sinh Trung Quốc là có nhưng giới chức Mỹ cũng thường có xu hướng phóng đại mối đe dọa này.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Eric Fish – tác giả cuốn sách "China's Millennials: The Want Generation" - cũng nhận định rằng ngay cả khi hoạt động gián điệp của Trung Quốc chắc chắn vẫn đang diễn ra trên đất Mỹ, chính sách hiện tại vẫn là quá mức cần thiết. Các trường đại học mà Washinton đang nhắm tới không phải các trường đại học quân sự mà là các trường dân sự với hàng nghìn sinh viên, hầu hết trong số này không liên quan tới quân đội. Theo ông Eric Fish , "các nhà chức trách Mỹ đang thực sự dùng đến một con dao rựa khổng lồ trong khi thực tế họ chỉ cần dao mổ."

Cũng theo chuyên gia Eric Fish, mặc dù Tổng thống Biden không phải là người khởi xướng chính sách này, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến việc đảo ngược lệnh cấm không phải là quyết định khôn ngoan với chính phủ Mỹ vào thời điểm hiện tại.

Môi trường nghiên cứu tại Mỹ hứng chịu nhiều tác động

Theo CNN, mặc dù số sinh viên bị ảnh hưởng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số sinh viên Trung Quốc, nhưng họ lại đang thực hiện một số nghiên cứu quan trọng nhất. Các số liệu của Macro Polo, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Chicago, cho thấy rằng có khoảng 16% sinh viên tốt nghiệp STEM ở Mỹ là công dân Trung Quốc. Khoảng một phần ba các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) cấp cao nhất đã tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc nhưng hơn một nửa trong số họ tiếp tục học tập, làm việc và sinh sống ở Mỹ.

Do đó, các chuyên gia cho rằng vụ việc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới một số sinh viên Trung Quốc mà còn gây ra tác động lớn hơn khi ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu khoa học tại Mỹ. Chuyên gia Eric Fish nhận định: "Chúng ta đang đào tạo ra hàng nghìn sinh viên Trung Quốc có giá trị cao trong các lĩnh vực quan trọng, đóng góp rất nhiều cho nghiên cứu của Mỹ, đóng góp rất nhiều cho các phòng thí nghiệm".

Bình luận về vụ việc, Matthew Jagielski – một tiến sĩ tốt nghiệp tại Đại học Northeastern và là bạn của Dennis Hu - cho biết: "Anh ấy rất quan trọng đối với phòng thí nghiệm… Điều này thực sự không may". Jagielski cũng bày tỏ lo ngại về tác động của lệnh cấm: "Nếu có ít sinh viên tốt nghiệp hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít nghiên cứu được thực hiện hơn".

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 6.

Việc những sinh viên trong lĩnh vực STEM như Dennis Hu không được cấp thị thực có thể là tổn thất lớn đối với ngành nghiên cứu tại Mỹ (Nguồn: CNN)

Lệnh cấm cũng được cho là có thể tác động đến khả năng tuyển sinh sinh viên Trung Quốc của các cơ sở giáo dục tại Mỹ và làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.

Với việc đang có hơn 370 nghìn sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ, lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác, giới chức Washington đang phải đối mặt với một tình huống vô cùng khó xử: Làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường học thuật cởi mở của Mỹ và giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Mỹ đối mặt nhiều tác động tiêu cực từ chính sách siết thị thực với sinh viên Trung Quốc - Ảnh 7.

Hơn một phần ba số sinh viên quốc tế tại các trường đại học Mỹ trong giai đoạn 2019 - 2020 là người Trung Quốc (Nguồn: CNN)

Ông Robert Daly nhận định: "Việc lo ngại về những lỗ hổng bên trong các trường đại học là chính đáng. Tuy nhiên, nó cần phải được đo lường dựa trên lợi ích to lớn mà chúng ta có được từ sự đóng góp chất xám của các sinh viên và học giả Trung Quốc tại Mỹ trong suốt 40 năm qua".

Các trường đại học Mỹ cũng đang tỏ ra lo lắng. Hồi tháng Năm, trong một bức thư gửi tới Ngoại trưởng Mỹ, bà Wendy Wolford - phó giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Cornell - đã lên tiếng chỉ trích "bầu không khí buộc tội đối với các sinh viên." Bà Wolford khẳng định: "Việc duy trì nguồn sinh viên quốc tế tới Mỹ là điều cần thiết để vừa giữ vững ưu thế toàn cầu của chúng ta, vừa xây dựng cầu nối văn hóa và chính trị mạnh mẽ hơn với phần còn lại của thế giới".

Và nhiều ý kiến cho rằng sự mất mát của các trường đại học Mỹ sẽ đồng nghĩa với thành công của Trung Quốc. Chính sách của Washington đang giúp cho Bắc Kinh dần đạt tới mục đích nhắm tới từ nhiều năm qua: Thu hút các nhân tài hàng đầu trở về quê nhà. Sinh viên Kerry Fang chia sẻ: "Sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhân tài đang dần bắt kịp Mỹ nhờ vào sức mạnh kinh tế. Và nếu Mỹ không duy trì được sức mạnh về học thuật, nước này sẽ mất thêm nhiều tài năng quốc tế, và nơi mà các nhân tài này hướng đến rất có thể sẽ là Trung Quốc".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước