Mỹ lần đầu tiên cho phép nhà thầu quân sự đến Ukraine

Ban Thời sự/VOV-Thứ hai, ngày 11/11/2024 07:30 GMT+7

Binh sỹ Ukraine sửa chữa phương tiện chiến đấu tại Kharkov (Ảnh: Getty)

VTV.vn - Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép nhà thầu quốc phòng đến Ukraine để sửa chữa các loại vũ khí mà Washington viện trợ cho Kiev.

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine để giúp quân đội nước này bảo dưỡng, sửa chữa những hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp, đặc biệt là máy bay chiến đấu F16 và hệ thống phòng không Patriot - CNN dẫn thông tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Chính sách mới - được phê duyệt vào đầu tháng 11/2024 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - sẽ cho phép Lầu Năm Góc cung cấp hợp đồng cho các công ty Mỹ để làm việc tại Ukraine lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022. Washington hy vọng chính sách này sẽ giúp đẩy nhanh việc bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống vũ khí mà quân đội Ukraine sử dụng.

Việc bật đèn xanh cho các nhà thầu Mỹ tới Ukraine là sự thay đổi chính sách quan trọng trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có duy trì chính sách này khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025 hay không. Ông Trump nói rằng ông hy vọng sẽ chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga "trong vòng 24 giờ" sau khi trở lại nắm quyền.

Mỹ lần đầu tiên cho phép nhà thầu quân sự đến Ukraine - Ảnh 1.

Bệ phóng HIMARS bị hư hại được chuyển từ Ukraine về Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: War Zone)

Quyết định trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể khác trong chính sách của chính quyền Biden đối với Ukraine, trong bối cảnh Mỹ tìm cách giúp quân đội Ukraine chiếm ưu thế trước Nga. Lầu Năm Góc ​​sẽ sớm niêm yết các hợp đồng trực tuyến.

Trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần nhấn mạnh rằng tất cả người Mỹ và đặc biệt là quân đội Mỹ phải tránh xa tiền tuyến Ukraine. Nhà Trắng đã quyết tâm hạn chế các mối nguy hiểm đối với công dân Mỹ cũng như tránh làm leo thang xung đột với Nga. Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo rõ ràng rằng công dân Mỹ không nên đến Ukraine kể từ năm 2022. Quân đội Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ binh sỹ Ukraine trong việc bảo trì và hậu cần, nhưng chỉ thực hiện từ xa qua các cuộc gọi bằng video hoặc điện thoại. Điều này cũng dẫn đến một số hạn chế nhất định vì kỹ sư và nhà thầu Mỹ không thể thao tác trực tiếp trên các hệ thống vũ khí.

Thợ máy Ukraine ngày càng thành thạo trong việc sửa chữa vũ khí phương Tây khi chúng bị hư hỏng trên chiến trường. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phức tạp hơn như thay thế các nòng pháo và xe cộ bị hư hỏng do mìn và hỏa lực của Nga, Mỹ đã tạo điều kiện vận chuyển thiết bị ra khỏi lãnh thổ Ukraine, đến các kho ở Ba Lan, Romania hoặc các nước NATO khác để sửa chữa. Tuy vậy, quá trình này mất khá nhiều thời gian.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD kể từ khi xung đột bùng phát. Tuy nhiên, khi các loại vũ khí này bị hư hỏng, Ukraine phải gửi ra nước ngoài hoặc tham vấn từ xa để tìm các giải quyết, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot.

Phía Mỹ thông báo các nhà thầu quốc phòng nước này sẽ không tham gia chiến đấu mà chỉ đảm bảo vũ khí, thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp sẽ được sửa chữa nhanh chóng khi hư hại và bảo trì khi cần thiết.

Chính quyền Tổng thống Biden hướng tới cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine Chính quyền Tổng thống Biden hướng tới cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine

VTV.vn - Mỹ đang tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhà thầu quân sự Hoa Kỳ triển khai tới Ukraine để giúp quân đội Kiev bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước