Mỹ nới lỏng quy định cắt giảm khí thải

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 20/06/2019 17:52 GMT+7

(Ảnh minh họa: Health Academy)

VTV.vn - Ngày 19/6, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quy định mới nới lỏng hoạt động cho các nhà máy sử dụng than đá.

Quyết định này lập tức vấp phải sự chỉ trích của phe Dân chủ vì cản trở những nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.

Quy định mới được cho là đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực trong Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP) được triển khai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhằm giảm thiểu ô nhiễm do khí thải độc hại từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Tổng thống Obama từng đặt ra các tiêu chuẩn khí thải quốc gia và yêu cầu tái thiết các nhà máy điện để dần dần thay thế nguyên liệu than. Kế hoạch ngăn chặn CPP được chính quyền của Tổng thống Trump công bố từ năm 2017 nhưng sau đó đã bị Tòa án Tối cao Mỹ ngăn chặn.

Quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump mang tên Năng lượng Sạch, chi phí hợp lý (ACE) cho phép các bang toàn quyền quyết định về việc kiểm soát khí thải nhà kính của địa phương mình. ACE được Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) của Mỹ nghiên cứu và xây dựng. Lãnh đạo EPA Andrew Wheeler khẳng định ACE tuân thủ mục tiêu tiếp tục giảm khí thải nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để dùng cho tất cả người dân Mỹ.

EPA nhấn mạnh quy định mới tốt hơn kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm ở chỗ thay vì hạn chế các nhà sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho than nhập khẩu từ Trung Quốc thâm nhập thị trường nội địa thì ACE cho phép nâng cấp sân chơi cho các nhà sản xuất trong nước và khuyến khích ứng dụng công nghệ và sáng tạo vào ngành sản xuất than.

Theo EPA, quy định mới thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới đảm bảo các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có thể là một phần trong tương lai năng lượng sạch. Kế hoạch này cũng đã trải qua một giai đoạn lấy ý kiến công chúng.

Tuy nhiên, quy định mới, dự định sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày tới, đưa ra rất ít yêu cầu đối với các nhà máy than. Mặc dù có hướng dẫn các bang giảm thiểu khí thải nhưng quy định không đặt ra mục tiêu cụ thể và để các bang tự cân nhắc mức giảm phù hợp và đưa ra các cách nâng cao hiệu quả các nhà máy điện. Vì vậy, quy định mới nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức từ đảng Dân chủ cũng như các hiệp hội bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi chỉ trích quy định này "tiếp tay" cho các công ty phá hoại môi trường, "bật đèn xanh" cho các hoạt động hủy hoại bầu khí quyển, đầu độc các nguồn nước và khiến cuộc khủng hoảng khí hậu thêm trầm trọng.

Nhiều người cho rằng quy định này sẽ bị cản trở tại các bang do đảng Dân chủ kiểm soát và bị đưa ra Tòa án Tối cáo Mỹ. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường đều cho rằng động thái mới của chính quyền Tổng thống Trump cản trở những nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính trong bối cảnh giới khoa học liên tục cảnh báo các quốc gia cần giảm thiểu khí thải carbon dioxide để tránh những hậu quả khốc liệt nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, bao gồm sóng nhiệt, bão lũ, hạn hán và lụt lội.

Lượng khí thải toàn cầu cao nhất trong 1 thập kỷ Lượng khí thải toàn cầu cao nhất trong 1 thập kỷ

VTV.vn - Lượng khí thải carbon trên toàn cầu đã tăng 2% trong năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước