Tuy nhiên, ở một số trường, do hạn chế về nguồn lực, nhiều học sinh tự kỷ chỉ được đi học một ngày mỗi tuần. Cha mẹ học sinh ở Mỹ đã kịch liệt phản đối cách làm này và hiện đang có những cuộc tranh cãi gay gắt tại nhiều bang của Mỹ.
Một buổi sáng thứ Năm, thay vì đến trường học như các bạn đồng trang lứa, em Khloe lại ngồi xem hoạt hình trong căn bếp của mẹ. Em học lớp 6 và chỉ được đến trường mỗi tuần một lần, thay vì 5 buổi như các bạn khác.
Chị Alyssa Warne, mẹ của Khloe, nói: "Con tôi bị giảm giờ học ở lớp vì cháu mắc chứng tự kỷ. Cháu đập bàn ghế và đánh nhau với các bạn khác. Sau đó, nhà trường loại con tôi khỏi chương trình học trực tiếp. Tôi mong con được đến trường nhiều hơn để gặp bạn bè thường xuyên hơn".
Còn em Scarlet, học lớp 2, gặp khó khăn trong giao tiếp. Thể trạng của em yếu do mắc một chứng bệnh di truyền, em hay bị co giật và thuộc nhóm trẻ khó ăn. Với những vấn đề sức khỏe như vậy, nhà trường chỉ cho phép Scarlet đến học 3 ngày mỗi tuần.
(Ảnh: Living on The Spectrum)
Chị Chelsea Rasmussen, mẹ của em Scarlett, cho biết: "Nhà trường sử dụng việc cắt ngắn giờ học của học sinh như một công cụ điều chỉnh hành vi, để các cháu đến trường vui vẻ, khỏe mạnh và sẵn sàng học tập. Nhưng biện pháp này bị áp dụng một cách áp đặt, khiến gia đình rơi vào thế bị động".
Cha mẹ học sinh kịch liệt phản đối vì từ năm 1970, luật liên bang của Mỹ quy định, học sinh khuyết tật hoặc gặp các hạn chế khác về sức khỏe vẫn phải được hưởng nền giáo dục với ít hạn chế nhất. Điều này có nghĩa là các em nên được học cùng với các bạn bình thường tại trường càng nhiều càng tốt.
Ở bang Oregon, xung đột giữa phụ huynh và nhà trường xung quanh vấn đề đình chỉ học đã lên tới đỉnh điểm. Các nhà lập pháp tại bang này đã đưa vấn đề ra thảo luận tại Hạ viện Liên bang Mỹ. Phía ủng hộ hội cha mẹ học sinh đã trình một dự luật, theo đó trong một số trường hợp cho phép cha mẹ phủ quyết quyết định của nhà trường giảm giờ đến trường của học sinh. Tuy nhiên, dự luật đang gặp rào cản lớn ở Hạ viện Mỹ.
Các ý kiến ủng hộ cho rằng thay vì giảm giờ học của các cháu, nhà trường cần tăng cường nguồn lực để hỗ trợ nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!