Tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày đầu tiên cầm quyền. Tuyên bố này đặt một dấu hỏi lớn về cam kết của Mỹ đối với TPP, mà tầm quan trọng như theo lời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là "Không có Mỹ thì thỏa thuận mất hết ý nghĩa". Đây là chủ đề đã được báo chí thế giới tập trung khai thác và nhiều bài viết đã có cùng chung một nhận định rằng: "Trung Quốc đang đứng trước cơ hội để khẳng định vị thế đi đầu về tự do thương mại".
Theo tờ Thời báo New York, sự rút lui của Mỹ sẽ mở đường cho Trung Quốc đàm phán các quy tắc thương mại, kết thân với các nước châu Á và khẳng định vai trò lãnh đạo trong khu vực. Bài xã luận của báo lưu ý đã có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tận dụng đầy đủ lợi thế từ sự chuyển dịch của Mỹ, để thúc đẩy tầm nhìn về thương mại của riêng mình. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn mà không bao gồm Mỹ, hiện đã nhận được thêm sự quan tâm, trong đó có cả từ những nước đã ký TPP như Peru và Malaysia.
Tờ Bưu điện Bangkok (Thái Lan) dẫn ý kiến của một số nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ được trao một cơ hội để định hình lại các quy tắc thương mại toàn cầu và hưởng lợi từ một nước Mỹ cô lập hơn nếu tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thực hiện cam kết từ bỏ TPP của mình. Theo bài viết, các nước châu Á sẽ buộc phải tìm kiếm một sự hợp tác ổn định và lâu dài với Trung Quốc khi Mỹ rút một chân ra khỏi khu vực thương mại tự do của khu vực này.
Tờ China Daily (Trung Quốc) dẫn ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ rút lui khỏi TPP mang tới cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn để thay thế. Đó là sự kết hợp của Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và 16 thành viên của RCEP. Sự kết hợp này được cho là sẽ chấm dứt sự phân mảnh kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn đang ngăn cản các quốc gia hội nhập.
Mặc dù thừa nhận việc Mỹ rút khỏi TPP là một "giá trị tích cực" để ngăn chặn "xu hướng cô lập thương mại" và tránh cho thỏa thuận này trở thành một "trò chơi địa chính trị", song tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cũng bày tỏ quan ngại rằng, nếu ông Trump theo đuổi chính sách đặt Lợi ích của Mỹ lên hàng đầu, thì Trung Quốc sẽ là một trong số quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo một nhận xét trên trang mạng Business Insider, việc TPP bị đình trệ trên thực tế lại gây khó khăn cho mục tiêu theo đuổi các hiệp định thương mại tự do của Trung Quốc, bởi một số nước tham gia TPP sẽ thận trọng hơn khi đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do mới. Để đi đến nhất trí về TPP, nhiều quốc gia đã phải vượt qua trở ngại về chính trị ngay trong nước và họ e ngại không muốn dẫm phải vết xe đổ một lần nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!