Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell. (Ảnh: AP)
Đây là thông tin được Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, ông Kurt Campbell đưa ra vào ngày 23/6.
Ông Campbell cho rằng, Mỹ cần thêm nhiều cơ sở ngoại giao trên khắp khu vực và tiếp xúc nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương.
“Mọi người sẽ thấy nhiều quan chức cấp nội các, quan chức cấp cao hơn đến Thái Bình Dương”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Campbell nói trong ngày 23/6 tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế.
Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ tăng cường nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cam kết được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hợp tác về kinh tế, quân sự với các đảo quốc tại khu vực.
Mới đây, Mỹ, Australia, New Zealand đều bày tỏ lo ngại đối với thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Bắc Kinh và đảo quốc Solomon.
Ngoại trưởng quần đảo Solomon (trái) Jeremiah Manele và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào cuối tháng 5/2022. (Ảnh: AP)
"Chủ quyền là trọng tâm trong cách chúng ta nhìn nhận Thái Bình Dương nói chung. Bất kỳ sáng kiến nào thỏa hiệp hoặc đặt câu hỏi về chủ quyền đó, tôi nghĩ chúng tôi nên lo ngại", ông Campbell nói nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.
Ông Campbell cho rằng, Fiji sẽ là trung tâm của những cam kết này của Mỹ.
"Lời của chúng ta sẽ chẳng là gì ở Thái Bình Dương nếu không có Thái Bình Dương... Chúng tôi không coi những ràng buộc này là điều hiển nhiên", ông Campbell nói, thừa nhận rằng Washington đã có lúc không quan tâm đúng mức đến các đảo quốc này.
Bà Monica Medina, quan chức chịu trách nhiệm về đại dương, môi trường quốc tế và khoa học tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, những khu vực thuộc các đảo ở Thái Bình Dương đặc biệt cần hỗ trợ về đối phó với biến đổi khí hậu và chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Trong khi đó, Đại sứ Fiji tại Liên Hợp Quốc Satyendra Prasad cho biết: "Người dân Thái Bình Dương và chính phủ của họ sẽ hoan nghênh mối quan hệ đối tác lâu dài với Mỹ".
Trước đó một tuần, ông Campbell cho biết, Mỹ sẽ đề xuất sáng kiến mới cho các vấn đề ở Thái Bình Dương với những cam kết cụ thể. Sáng kiến này, với sự tham gia của 18 thành viên Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương, Nhật Bản và các nước phương Tây, "nhằm làm rõ nguyện vọng giữ môi trường Thái Bình Dương cởi mở, lành mạnh, hiệu quả và không bị ép buộc".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!