Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 19/09/2021 09:47 GMT+7

VTV.vn - Từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên đối ngoại số một của Mỹ và thúc đẩy chiến lược dựa trên 4 trụ cột chính.

Quan hệ đối tác an ninh Australia, Anh, Mỹ

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó,Washington và London sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của yêu cầu đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn. Đây là sự kết nối các đồng minh và đối tác hiện tại của Mỹ theo những cách mới, và tăng cường khả năng hợp tác của chúng ta, khoảng cách về địa lý không ngăn cách lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương".

Các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide, Australia với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. Tàu sẽ không được triển khai vũ khí hạt nhân, mà chỉ sử dụng hệ thống đẩy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép tàu hoạt động một cách yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn và đưa ra khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài tàu ngầm, trong khuôn khổ AUKUS, các bên còn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng.

Thủ tướng Australia Scott Morrison: "Thế giới đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để đối phó những thách thức này, để có được an ninh và ổn định, đã đến lúc chúng ta phải đưa quan hệ đối tác lên một tầm cao mới".

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Morrison: Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của Canberra

Một số nhà phân tích cho rằng với động thái này, Australia đã chọn bước đi khiến mình phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực. Đồng thời tạo những nguy cơ dẫn đến khả năng căng thẳng không cần thiết tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tiến sỹ James Rogers - Giám đốc Nghiên cứu, Hội đồng Địa chiến lược, Vương quốc Anh nhận định: "AUKUS thể hiện sự tin tưởng lớn vào nhau giữa Anh, Mỹ và Australia và họ đã sẵn sàng làm việc cùng nhau trong một chặng đường dài, đặc biệt trong vấn đề an ninh quốc phòng. Sự hình thành này theo tôi có thể trở thành nền tảng tác động lâu dài với các diễn biến tại Thái Bình Dương. 

Mỹ có lợi ích trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, họ tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình và giờ là thông qua sự gắn bó chặt chẽ hơn với Australia - một nước trong khu vực, trước mắt là hỗ trợ nước này nâng cao năng lực hải quân. Anh cũng ngày càng quan tâm đến khu vực này, chuyển hướng để đóng một vai trò quan trọng hơn, như một cường quốc châu Âu với sự hiện diện rộng rãi tại đây. Cục diện chiến lược ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng thời gian tới từ sự ra đời của AUKUS".

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên số 1 của Mỹ

Theo các nhà phân tích, sự hình thành AUKUS cho thấy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số 1 của Mỹ. Cấu trúc này ra đời cũng là một phần trong kế hoạch thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn định hình từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Biden coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên đối ngoại số 1 của Mỹ và thúc đẩy chiến lược dựa trên 4 trụ cột chính là ngoại giao, an ninh, kinh tế và quản trị.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden: Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giống như chúng tôi làm với NATO ở châu Âu.

Điểm nhấn và cũng là sự khác biệt chính quyền Biden so với người tiền nhiệm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là việc tạo dựng các liên minh. Ông Biden khéo léo củng cố các liên minh cũ, xây dựng các liên minh mới và thiết lập luật chơi có tên gọi "trật tự dựa trên cơ sở luật lệ và luật pháp quốc tế" để chi phối không chỉ đối thủ, mà cả các đồng minh, đối tác của Mỹ.

Theo đó, chính quyền Biden thúc đẩy các trụ cột chiến lược tại khu vực dựa trên liên minh hoặc các khuôn khổ đa phương bao gồm nhóm Bộ Tứ và thắt chặt quan hệ với 5 nước đồng minh trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia. Đồng thời Mỹ thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: "Chúng tôi đang đầu tư thời gian và sức lực để củng cố các mối quan hệ đối tác quan trọng của mình. Mối quan hệ đối tác của chúng tôi sẽ được xây dựng dựa trên sự cởi mở, hòa nhập, chia sẻ lợi ích và các bên cùng có lợi".

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động ngoại giao của chính quyền Biden với các nước trong khu vực liên tục diễn ra. Mỹ coi trọng yếu tố an ninh tại khu vực và nhấn mạnh an ninh biển sẽ là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phản ứng các nước về việc thành lập AUKUS

AUKUS ra đời đồng thời đã nhấn mạnh rõ mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của ba quốc gia Mỹ, Anh, Australia với tình hình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đặt ra nhiều đánh giá khác nhau, trong đó tất nhiên gồm cả những quan ngại về khả năng tình hình khu vực có những diễn biến theo hướng căng thẳng hơn. Các phản ứng ban đầu đã cho thấy nhiều khác biệt.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 3.

Bắc Kinh cho rằng, động thái thành lập cơ chế hợp tác AUKUS gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực.

Động thái thành lập cơ chế hợp tác AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, động thái này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực.

Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Hợp tác hạt nhân giữa Mỹ, Anh, Australia đã phá hoại nghiêm trọng hòa bình, ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và làm suy yếu các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Việc Mỹ, Anh chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân sang Australia một lần nữa cho thấy họ đang sử dụng vấn đề này như một công cụ cho trò chơi địa chính trị và áp dụng các tiêu chuẩn kép".

Một số chuyên gia phân tích cũng bày tỏ quan ngại, việc hình thành cơ chế AUKUS có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trong khu vực.

Ông Nikola Casule - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Điều tra của tổ chức Greenpeace Australia cho biết: "Điều chúng tôi không muốn là có một cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến công nghệ hạt nhân. Chúng ta đang ở một trong những thời điểm không an toàn nhất trong lịch sử, hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân tồn tại trên khắp thế giới và các tàu ngầm, giống như loại mà Australia sẽ mua, đang sử dụng các công nghệ hạt nhân. Điều không cần thiết đó khiến Australia trở nên kém an toàn hơn".

Có quan điểm trung dung hơn, Indonesia cho biết đang theo dõi vấn đề một cách thận trọng; tuy nhiên, Jakarta cũng chia sẻ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua quân sự mới. Còn Nga thì hy vọng Australia tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm loại trừ các rủi ro liên quan vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ - Ảnh 4.

Hiện vẫn còn những phản ứng trái chiều về tác động của cơ chế hợp tác AUKUS đến cục diện khu vực.

Trong khi đó, các đồng minh, đối tác của Mỹ tại khu vực như Nhật Bản, Singapore bày tỏ quan điểm ủng hộ, mong muốn AUKUS đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cho đến hiện tại, vẫn còn những phản ứng trái chiều về tác động của cơ chế hợp tác AUKUS đến cục diện khu vực. Những vận động địa chính trị của các bên, nhất là việc triển khai các nội dung theo cơ chế hợp tác AUKUS sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình, chi phối cấu trúc an ninh khu vực thời gian tới.

AUKUS là một cơ chế an ninh mới. Cơ chế này không chỉ tạo nền tảng cho các dự án hợp tác an ninh, quốc phòng sâu rộng giữa ba nước thành viên trong thời gian tới, bao gồm cả những lĩnh vực được đánh giá là nhạy cảm như chế tạo tàu ngầm hạt nhân, mà còn là sự thể hiện một mức độ cam kết mới, tin cậy và gắn bó chặt chẽ hơn giữa các thành viên. Các động thái mới xuất hiện nhiều cũng cho thấy các bước chuyển của chính quyền Mỹ trong thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn. Cũng là căn cứ cho sự điều chỉnh chính sách với các quốc gia trong khu vực, phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài thay đổi ngày một nhanh chóng.

Sự trở lại thực chất của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Sự trở lại thực chất của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

VTV.vn- Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ là đoàn kết với các đồng minh, đối tác tại Đông Nam Á để bảo vệ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước