Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc hội đàm lịch sử ở Sentosa, Singapore ngày 12/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)
"Hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc đối thoại lịch sử và đã quyết định để lại sau lưng quá khứ. Chúng tôi sẽ ký vào một thỏa thuận lịch sử. Thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn. Tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn tới Tổng thống Trump, người đã giúp cuộc gặp này diễn ra", nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói.
Để đi đến lễ ký tuyên bố chung sau hội đàm, Mỹ và Triều Tiên đã trải qua gần 7 thập kỷ chiến tranh và thù địch. Trong bản tuyên bố chung được ký giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết kiên định và vững chắc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump nói: "Mối quan hệ của chúng tôi với Triều Tiên và cả bán đảo Triều Tiên sẽ khác rất nhiều so với trước. Và tôi thực sự muốn nói rằng những gì chúng tôi đã đạt được lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của bất cứ ai".
Bản tuyên bố chung lịch sử được ký giữa hai nhà lãnh đạo chiều 12/6 bao gồm 4 điểm lớn, mang tính định hướng cho tương lai lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Trong đó, điều quan trọng nhất là tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được tình trạng phi hạt nhân hóa toàn diện, đã không được đề cập trong tuyên bố chung.
Những gì đạt được trong cuộc gặp lịch sử ngày 12/6 thực sự làm hài lòng cả hai nhân vật chính - Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng bản tuyên bố chung mà thế giới chứng kiến thiếu vắng những điều khoản then chốt về vấn đề giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như thế nào?
Trong cuộc họp báo chiều 12/6, Tổng thống Trump đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi về việc Mỹ có thể kiểm chứng những cam kết của Triều Tiên như thế nào? Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ để cấp dưới tiếp tục đàm phán chi tiết trong tuần tới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến bàn đàm phán mong muốn và yêu cầu rất khác nhau. Mục đích của Mỹ là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân một cách có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Với Triều Tiên, nước này muốn nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, dỡ bỏ các lệnh cấm vận để phát triển kinh tế.
Câu hỏi đặt ra lúc này là trong văn kiện vừa ký kết, họ đã đáp ứng được đến đâu những mong muốn của nhau. Xung quanh vấn đề này mời quý vị theo dõi video trao đổi với phóng viên Đài THVN thường trú tại Singapore và Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!