Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ

Đại sứ Nguyễn Quang Khai-Thứ ba, ngày 28/12/2021 18:16 GMT+7

VTV.vn - Năm 2021, việc Mỹ rút quân khỏi một số quốc gia Trung Đông và giảm bớt cam kết về an ninh đối với các đồng minh khu vực đã tạo nên những biến chuyển chưa từng có tại đây.

Tháng 1/2021, tại Mỹ đã diễn ra sự thay đổi quyền lực, ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ đắc cử lên nắm quyền thay Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hoà. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden lập tức định hướng lại chiến lược toàn cầu của Mỹ, trong đó có việc giảm bớt sự can dự của Mỹ vào các vấn đề ở Trung Đông và các cam kết về an ninh đối với các đồng minh của Mỹ ở khu vực để tập trung sức mạnh, đối trọng với ảnh hưởng từ Trung Quốc và Nga.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 1.

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ (Ảnh: AP)

Triển khai chiến lược này, cùng với việc rút quân khỏi Afghanistan, Iraq, chấm dứt ủng hộ liên quân Arab trong cuộc chiến kéo dài 6 năm tại Yemen, đàm phán khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).... Washington đã rút ít nhất ba khẩu đội chống tên lửa Patriot và một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD khỏi căn cứ không quân Sultan ở Saudi Arabia. Theo hướng đi này, Mỹ cũng đã quyết định ngừng bán vũ khí tấn công cho Riyadh, đồng thời đang xem xét lại hợp đồng cung cấp 50 chiến đấu cơ F-35 hiện đại cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tàu sân bay cùng 40 nghìn binh sĩ Mỹ cũng đang được tái triển khai từ Trung Đông tới các khu vực khác.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 2.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đánh dấu kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm tại quốc gia này (Ảnh: Reuters)

Tại châu Âu, Washington đang ráo riết tập trung mở rộng NATO về phía Đông, gây sức ép với Nga. Tại châu Á, Washington đang tìm cách thành lập một liên minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Ngoài khối "Bộ tứ kim cương- QUAD" gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ký một tuyên bố chung thiết lập một liên minh mới AUKUS (Australia, Anh, Mỹ). Theo các chuyên gia, khối này có thể trở thành một khối tương tự như NATO châu Á.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 3.

Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) (Ảnh:The Australian)

Trong tình hình như vậy, không còn có thể dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ về an ninh nữa, các nước Arab buộc phải tự thân vận động, điều chỉnh các mối quan hệ để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Các nước Arab khôi phục tình đoàn kết

Tiếp theo việc hòa giải với Qatar tháng 1/2021 sau hơn 3 năm rưỡi lạnh nhạt, nhiều nước Arab từng cắt đứt quan hệ với Syria năm 2011 và ủng hộ phe đối lập lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Al-Assad, thời gian gần đây, đã nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Syria.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Oman, Bahrain và Jordan mở lại Đại sứ quán của mình tại Thủ đô Damascus của Syria. Tháng 11/2021, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed đã đến thăm Syria, gặp Tổng thống Syria Al-Assad thảo luận tăng cường quan hệ hai nước. Vấn đề khôi phục tư cách thành viên của Syria tại Liên đoàn Arab (AL) cũng được thảo luận. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune mới đây tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Arab tổ chức vào tháng 3/2022 tại Thủ đô Alger sẽ là một hội nghị hàn gắn rạn nứt trong thế giới Arab, với việc Syria quay trở lại Liên đoàn Arab sau hơn mười năm bị đình chỉ tư cách thành viên.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 4.

Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc gặp với Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan tại Syria ngày 9/11/2021 (Ảnh: AP)

Saudi Arabia là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất phe đối lập lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Al-Assad, cắt đứt quan hệ với Syria năm 2011, cũng đang đàm phán để mở lại Đại sứ quán của mình tại Damascus. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tuyên bố muốn sớm khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Syria. Tháng 5/2021, người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia, Trung tướng Khaled Al-Humaidan đã tới thăm Damascus và gặp Tổng thống Syria Al-Assad và người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia, Thiếu tướng Ali Mamlouk.

Phong trào Hamas và Fatah của Palestine cũng đã thỏa thuận khôi phục lại đoàn kết thông qua kế hoạch sớm tổ chức bầu cử để thành lập một chính phủ thống nhất giữa Bờ Tây và Dải Gaza. Liên hợp quốc và Bộ Tứ cũng đang xem xét nối lại vai trò trung gian hòa giải của mình, đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột sau khi kế hoạch hòa bình mang tên "Thoả thuận thế kỷ" của cựu tổng thống Mỹ D. Trump thất bại.

Các nước vùng Vịnh cải thiện quan hệ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ

Cuối tháng 4/2021, Saudi Arabia từng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách gây "sức ép tối đa" và các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Washington chống Tehran, sau 5 năm cắt đứt quan hệ đã bắt đầu đàm phán trực tiếp nhằm nối lại bang giao. Các cuộc đàm phán bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Hai bên thỏa thuận tiếp tục thương thảo và nhất trí bắt đầu "một chương hợp tác và hành động mới trong quan hệ hai nước để đạt được hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực".

Cùng với Saudi Arabia, UAE cũng đã có các bước đi mạnh mẽ nhằm cải thiện quan hệ với Iran. Tháng 8/2021, UAE đã cử đoàn sang Tehran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Đầu tháng 12/2021, đoàn đại biểu cấp cao UAE do cố vấn an ninh quốc gia Sheikh Tahnun bin Zayed dẫn đầu đã thăm Iran, gặp Tổng thống Ebrahim Raisi để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước và nhất trí mở ra một trang mới trong quan hệ song phương.

Theo hướng này, quan hệ giữa các nước Arab với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang được cải thiện nhanh chóng sau nhiều năm căng thẳng. Tháng 11/2021,Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã có chuyến thăm Ankara. Hai bên đã ký 10 thỏa thuận hợp tác, theo đó UAE sẽ đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ 10 tỷ USD. Tổng thống R. Erdogan dự kiến sẽ thăm UAE tháng 2/2022.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 5.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan (Ảnh: Getty)

Tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc

Ngoài việc khôi phục quan hệ hợp tác và tình đoàn kết với nhau, các nước Arab, đặc biệt là các nước đồng minh của Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước khác, đặc biệt với Nga và Trung Quốc.

Cuối tháng 12/2020, các Ngoại trưởng UAE và Saudi Arabia đã đến thăm Moscow và chỉ sau một thời gian ngắn, đầu tháng 3/2021, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tiến hành công du các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, UAE và Qatar. Mặc dù các nước này tuyên bố các hoạt động ngoại giao không có mối liên hệ nào với sự thay đổi thái độ của chính quyền J. Biden trong quan hệ với các nước vùng Vịnh, nhưng việc trao đổi đoàn cấp cao thăm viếng dồn dập lẫn nhau như vậy là chưa từng có và mang nhiều ý nghĩa.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 6.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp người đồng cấp Qatar Mohammed Al Thani (Ảnh: Spuniknews)

Các nước vùng Vịnh đã thỏa thuận tăng cường hợp tác với Nga trong một loạt lĩnh vực gồm năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình... vốn là những lĩnh vực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nền kinh tế thế giới cũng như duy trì sự cân bằng chiến lược toàn cầu. Đặc biệt, lần đầu tiên, hệ thống tên lửa S-400 của Nga là một trong những chủ đề được đưa ra bàn thảo tại Riyadh thay thế cho các vũ khí của Mỹ.

Năm 2021 - Cục diện khu vực Trung Đông biến chuyển bất ngờ - Ảnh 7.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại lễ ký thỏa thuận (Ảnh: Reuters)

Cũng trong tháng 3/2021, Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tiếp đón Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trong chuyến thăm này, các nước đã ký nhiều hiệp định hợp tác với Trung Quốc. Đặc biệt, Iran đã ký "Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện" với Bắc Kinh, theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư vào Iran 400 tỷ USD trong thời hạn 25 năm tới, trong đó 280 tỷ USD sẽ được dành đầu tư vào phát triển các ngành năng lượng, hóa dầu. 120 tỷ USD còn lại sẽ dùng để đầu tư nâng cấp các dự án cơ sở hạ tầng gồm cảng biển, đường sắt, đường bộ, giao thông vận tải, công, nông nghiệp.

Mỹ sẽ hoàn thành việc rút các lực lượng chiến đấu khỏi Iraq vào ngày 31/12/2021. Chính quyền Iraq cũng đang khôi phục mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc để dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Baghdad đã ký hợp đồng mua nhiều vũ khí của Nga và hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và Iraq hiện nay đã lên tới hơn 40 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Iraq. Về phía mình, Iraq là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc ở Trung Đông.

Tình hình Trung Đông đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các nước khu vực bắt đầu hiểu được rằng, việc bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực là nhiệm vụ của chính mình, không thể dựa vào ai được. Việc khôi phục đoàn kết, hợp tác giữa các nước khu vực, tăng cường quan hệ với các đối tác bạn bè truyền thống tin cậy, cùng chia sẻ trách nhiệm là nền tảng vững chắc để xây dựng một Trung Đông thịnh vượng và phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước