Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly dành cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 3/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 5/3, tính đến hết ngày 22/7, Nam Phi ghi nhận 394.948 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đứng thứ 5 sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga. Ở quy mô châu lục, Nam Phi hiện chiếm tới hơn một nửa trong tổng số 751.391 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi.
Trong khi đó, dù có tỷ lệ tử vong khá thấp, khoảng 1,5% trên tổng số ca mắc COVID-19 nhưng trong 7 ngày qua, Nam Phi đã chứng kiến số ca tử vong tăng mức kỷ lục với hơn 1.000 trường hợp, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó là 95 ngày cho 1.000 ca tử vong đầu tiên. Tính đến hết ngày 22/7, nước ngày ghi nhận 5.940 ca tử vong.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về những nguyên nhân đã đẩy Nam Phi - quốc gia có trình độ y tế tốt nhất châu Phi và luôn được đánh giá là đã và đang áp dụng các biện pháp quyết liệt hàng đầu thế giới nhằm ứng phó với COVID-19 - rơi vào danh sách những nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất.
Trên thực tế, tốc độ lây lan nhanh chóng của bệnh dịch thời gian gần đây không gây nhiều ngạc nhiên cho chính phủ cũng như người dân Nam Phi bởi trước đó, họ đã được cảnh báo và chuẩn bị cho kịch bản này. Ngay từ tháng 5, các nhà khoa học Nam Phi đã sử dụng phương pháp mô hình hóa diễn biến dịch COVID-19, qua đó dự đoán về số ca nhiễm và tử vong trong từng giai đoạn khác nhau.
Binh lính Nam Phi giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng dịch tại đám tang của một người tử vong do COVID-19. Ảnh: TTXVN
Theo đó, số ca nhiễm và tử vong ở thời điểm hiện tại là tương đối tương đồng với dự đoán theo phương pháp mô hình hóa của các nhà khoa học Nam Phi, thậm chí có nhiều chỉ số còn thấp hơn so với dự báo. Vì vậy, việc Nam Phi vào top 5 thế giới về số ca mắc chỉ đơn thuần là vấn đề của việc sắp xếp thứ tự.
Trong dự báo, các nhà khoa học Nam Phi nhận định số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tăng tỷ lệ thuận với biên độ nới lỏng phong tỏa mà nước này đã và đang áp dụng theo từng giai đoạn nhằm dần khôi phục hoạt động nền kinh tế vốn đã trì trệ nhiều năm qua. Theo đó, khi nước này từng bước hạ cấp độ phong tỏa, từ cấp độ 5 xuống cấp độ 3 hiện tại, tốc độ lây nhiễm sẽ tăng dần và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng đầu tháng 8, khi số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên mức 600.000 - 800.000 cùng số ca tử vong có thể là 40.000.
Dự đoán của các nhà khoa học Nam Phi cũng được phản ánh trong thông điệp mà Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize phát biểu tại Quốc hội hai tuần trước, trong đó, ông Mkhize nêu rõ, nước này chuẩn bị bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh dịch và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của virus SARS-CoV-2. Thậm chí, Bộ trưởng Y tế Nam Phi còn đưa ra hình tượng đầy ám ảnh rằng, bất cứ ai cũng có khả năng phải chứng kiến người thân của mình tử vong vì mắc COVID-19.
Tuy nhiên, ở mặt tích cực, trong số 394.948 ca mắc COVID-19 tại nước này, hơn 229.175 người đã hồi phục, chiếm khoảng 53%. Trong khi đó, với tổng số 5.940 ca tử vong, tỷ lệ người không qua khỏi dao động trong khoảng 1,5%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Theo các nhà khoa học, cơ cấu dân số trẻ với 1/3 số người trong độ tuổi từ 18 - 35 đã giúp Nam Phi có tỷ lệ khỏi bệnh khá cao.
Trong bối cảnh hạn hẹp về mọi nguồn lực, chính phủ Nam Phi đã nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống COVID-19. Bước sang ngày thứ 118 thực hiện lệnh phong tỏa kể từ cuối tháng 3, Nam Phi được xem là quốc gia duy trì lệnh phong tỏa trong thời gian dài nhất thế giới, bất chấp thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn những năm qua.
Nam Phi cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có giai đoạn huy động hầu như toàn bộ lực lượng quân đội, khoảng 73.000 người, tham gia hỗ trợ cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian cao điểm áp dụng phong tỏa. Đây cũng là quốc gia duy nhất áp dụng lệnh cấm hoàn toàn việc mua bán đồ uống có cồn và thuốc lá trong suốt thời gian phong tỏa.
Hiện Nam Phi đang gấp rút nghiên cứu và thử nghiệm hàng loạt vaccine phòng COVID-19 do nước này tự phát triển cũng như trong các chương trình hợp tác với một số tổ chức quốc tế. Dự kiến, nếu thử nghiệm trên người thành công, vaccine đầu tiên do Nam Phi sản xuất có thể có mặt trên thị trường vào đầu năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!