Ảnh chụp Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) với mặt trăng tròn từ Konya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24/1. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Tuyên bố trên của Quản trị viên NASA Bill Nelson được đưa ra nhằm đáp lại những tuyên bố của Washington về vũ khí hạt nhân của Moscow trên quỹ đạo.
Ông Nelson đã nói chuyện với CNN trước cuộc đổ bộ dự kiến của tàu thăm dò mặt trăng Mỹ ở cực Nam của mặt trăng. Khi được hỏi về những tin đồn từ các nguồn gián điệp ẩn danh, ông chỉ ra lịch sử lâu dài của Mỹ trong việc thăm dò không gian hòa bình với Nga.
"Chúng tôi có Trạm Vũ trụ quốc tế, chúng tôi có 15 đối tác quốc tế và Nga là một trong những đối tác" - ông Nelson nói - "Việc hợp tác với Nga bắt đầu từ năm 1975, với sứ mệnh Apollo-Soyuz và chúng tôi đã hợp tác hòa bình với Nga kể từ đó. Chúng tôi cùng nhau xây dựng trạm vũ trụ. Chúng tôi vận hành nó cùng nhau. Nhưng chúng tôi muốn điều đó tiếp tục, chúng tôi không muốn những vấn đề khác - những vấn đề không mang tính hòa bình - cản trở".
Trong tuần qua, tình báo Mỹ đã làm dấy lên đồn đoán của giới truyền thông rằng Nga đã triển khai vũ khí chống vệ tinh, thậm chí có thể là loại hạt nhân, lên quỹ đạo, hoặc có thể đang lên kế hoạch làm như vậy trong tương lai gần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc như vậy, chỉ ra các hiệp ước cấm vũ khí hóa không gian.
Ông Nelson, cựu thượng nghị sĩ Mỹ, người đã bay trên tàu con thoi vào năm 1986, cũng lưu ý rằng Hiệp ước Không gian ngoài thiên thể năm 1967 đã cấm triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
Ông nói với Đài CNN: "Bất cứ điều gì đe dọa sự tồn tại của việc sử dụng không gian một cách hòa bình đều đi ngược lại những gì chúng tôi đang nỗ lực thực hiện".
Điện Kremlin cho rằng chính quyền Mỹ đã tạo ra nỗi sợ hãi về "vũ khí không gian của Nga" để thúc đẩy quốc hội nước này thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 60 tỷ USD cho Ukraine nhằm chống lại Nga. Nhà Trắng đã bác bỏ cách giải thích đó, gọi điều này là "ngớ ngẩn" và nhấn mạnh rằng những lo ngại của Washington là có thật.
Đại sứ Nga tại Mỹ mô tả hợp tác trong không gian là một trong số ít "mảnh vỡ" còn sót lại trong mối quan hệ giữa hai nước, kể từ tháng 8/2022. Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, chỉ ra các lệnh trừng phạt của Mỹ và có ý định "đánh bại chiến lược" Moscow ở Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!