Lần đầu tiên sau 1 thập kỷ, NATO chính thức thay đổi quan điểm với Nga, từ "đối tác chiến lược" trở thành "mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp nhất". Cũng lần đầu tiên, NATO xác định Trung Quốc là "thách thức hệ thống" lâu dài với liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu.
Khái niệm Chiến lược mới của NATO sẽ tác động ra sao đến triển vọng giải quyết xung đột tại Ukraine, cục diện an ninh châu Âu cũng như có tác động thế nào đến cấu trúc an ninh và trật tự thế giới?
Sự răn đe của NATO với Nga gia tăng
Địa bàn trọng điểm của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là châu Âu. Và đây đang là nơi diễn ra một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra trong 3 ngày qua tại Madrid, Tây Ban Nha đã đưa ra những bước đi chiến lược mới, gửi những thông điệp mang tính răn đe chưa từng có của các nước phương Tây với Nga kể từ sau chiến tranh lạnh.
Hội nghị này còn đặt dấu mốc lịch sử mới với NATO khi thông qua việc sẽ kết nạp 2 thành viên mới là Phần Lan và Thuỵ Điển, hai nước Bắc Âu vốn giữ thái độ trung lập trong nhiều năm qua. Điều này có nghĩa là đường biên giới trên bộ của NATO với Nga đã tăng gấp đôi, ranh giới giữa NATO với bán đảo Kola - nơi đóng quân của Hạm đội phương Bắc của Nga, vốn được quan chức NATO coi là trọng tâm trong phòng thủ của Nga - đã được mở rộng.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP)
"Phần Lan, Thuỵ Điển sẽ là thành viên NATO. Chúng tôi ở đây để bảo vệ tất cả các đồng minh trong đó có cả Phần Lan và Thụy Điển và chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống" - ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO, tuyên bố.
NATO lúc này sẽ kiểm soát gần như toàn bộ vùng biển có ý nghĩa chiến lược với Nga, khiến Nga đối mặt với nhiều thách thức hơn khi triển khai chiến lược Bắc Cực nhằm chiếm vị trí thống trị, thiết lập thế độc quyền trên tuyến đường biển phương Bắc. Các tuyến đường liên lạc của Nga ở biển Baltic và khả năng hỗ trợ vùng Kaliningrad cũng dễ bị tổn thương hơn.
Khái niệm Chiến lược mới của NATO
Khái niệm Chiến lược mới - kim chỉ nam cho các giá trị, mục tiêu và định hướng các nhiệm vụ ưu tiên của NATO - đã được các nhà lãnh đạo NATO thông qua ngày 29/6/2022.
Xác định đang bước vào "kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược", NATO nhấn mạnh 3 nhiệm vụ cốt lõi: vừa răn đe phòng thủ, vừa phòng ngừa giải quyết khủng hoảng và phòng vệ tập thể. Trong đó, NATO sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng với việc cho phép kết nạp Thụy Điển, Phần Lan; cam kết ủng hộ Ukraine; chú trọng thực hiện chương trình tái vũ trang quy mô lớn.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP)
"Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, tăng cường các nhóm chiến đấu ở phần phía đông lên đến cấp lữ đoàn. Chúng tôi sẽ chuyển đổi lực lượng phản ứng của NATO và tăng số lượng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao lên trên 300.000 binh sĩ. Đây sẽ là đợt thay đổi lớn nhất lớn nhất về khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh" - Tổng Thư ký NATO khẳng định.
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, NATO chuyển từ việc xem Nga là "đối tác chiến lược" trở thành mục tiêu đe dọa trực tiếp nhất. Tuy nhiên, khẳng định không tìm kiếm sự đối đầu với Nga.
"Hôm nay, các nhà lãnh đạo đã tán thành khái niệm Chiến lược mới của NATO. Khái niệm này rất khác so với khái niệm được NATO đưa ra vào năm 2010. Rõ ràng là Nga đặt ra mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của chúng ta" - Tổng Thư ký NATO tuyên bố.
Đặc biệt, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một chủ đề chính thức trong khái niệm Chiến lược mới, trong đó, NATO coi Trung Quốc là "thách thức hệ thống" lâu dài. Và cũng lần đầu tiên các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có mặt tại một hội nghị cấp cao nhất của NATO, cho thấy rõ sự thay đổi nhận thức của khối trong việc mở rộng ảnh hưởng về phía Đông để ứng phó với các thách thức mới.
"Trung Quốc đang xây dựng đáng kể lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các nước đồng minh (NATO). Mặc dù Trung Quốc hiện không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta cần nhận thức rõ các thách thức nghiêm trọng từ Trung Quốc" - Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh.
Trước các động thái này, Trung Quốc ngay lập tức kêu gọi NATO chấm dứt những phát ngôn và hành động khiêu khích, gây xáo trộn châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: Reuters)
Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - khẳng định: "Khái niệm Chiến lược mới của NATO đã đánh giá sai lầm khi coi Trung Quốc là thách thức có hệ thống, bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về chính sách phát triển quân sự và quốc phòng của Trung Quốc, kích động đối đầu và mang đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh, thành kiến về ý thức hệ. Trung Quốc kiên quyết phản đối".
Khái niệm Chiến lược mới thể hiện tham vọng của NATO trở thành một liên minh toàn cầu đối phó với các thách thức mới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trước mắt NATO vẫn sẽ còn nhiều thách thức, nhất là những chia rẽ nội bộ đối với các vấn đề, chính sách quan trọng của khối.
Hội nghị thượng đỉnh NATO và tác động tới an ninh châu Âu
NATO đã công bố kế hoạch tăng lực lượng của mình ở trạng thái sẵn sàng cao lên hơn 300.000 quân, chủ yếu là ở bên sườn phía Đông giáp với Nga. Giới phân tích châu Âu nhận định, kế hoạch tăng quân của NATO phản ánh xu hướng phức tạp môi trường an ninh ở châu Âu. NATO vẫn lo ngại về khả năng Nga có hành động cứng rắn với các nước Baltic nếu tình hình an ninh khu vực này đi xuống.
NATO muốn biến Đông Âu thành một "pháo đài", sẵn sàn phản ứng trước bất kỳ hành động nào từ Nga. Ở các nước đông Âu khác như Ba Lan, Slovakia và Romania, việc NATO tăng quân có thể nhằm viện trợ khí tài quân sự của một số thành viên NATO cho Ukraine.
Cũng có chuyên gia nhận định, kế hoạch tăng quân của NATO là không cần thiết, lãng phí nguồn lực của các thành viên NATO tại châu Âu, khi sức mạnh quân sự của Nga đã suy giảm trong cuộc chiến tại Ukraine. Thêm vào đó, các thành viên NATO tại châu Âu không thể bỏ qua thực tế là Mỹ đang đặt nhiều ưu tiên trong quan hệ với châu Á và Trung Quốc hơn là Nga.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: AP)
"NATO cần đầu tư nâng khả năng chiến đấu của không quân để thích ứng với một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh. Và mức đầu tư đề xuất để thực hiện quyết định này là 2,5% GDP cho quốc phòng vào cuối thập kỷ này" - ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh, nhận định.
NATO giờ đây là một mặt trận thống nhất hơn trong đối phó với Nga. Khối quân sự này cũng sẽ triển khai quân số dọc biên giới Nga đông hơn bao giờ hết kể từ chiến tranh lạnh. Liệu những thay đổi về lực lượng và khái niệm chiến lược được đưa ra lần này có tác động gì đến cuộc xung đột Ukraine hay những tính toán dài hạn của Nga? Đó là những câu hỏi lớn mà giới quan sát đặt ra sau hội nghị này.
Sự mở rộng của NATO chỉ tạo thêm đối đầu và xung đột
Các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu đã cung cấp lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Số lượng vũ khí vẫn tiếp tục tăng, trong đó ngày càng nhiều vũ khí tấn công hơn. Mỹ đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến.
Các nước NATO cũng đã hỗ trợ tài chính giúp chính phủ Ukraine vận hành. Sự ủng hộ chính trị của NATO giúp nhiều thỏa thuận quân sự song phương quan trọng Ukraine nhận được đến từ các nước thành viên NATO như Ba Lan, Anh và Mỹ. Các thành viên của NATO cũng cam kết tăng thêm năng lực quốc phòng để đối phó trong một môi trường an ninh được nhận định là khác nhiều so với trước.
Tuy nhiên, Ukraine hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ thực tế hơn từ NATO như yêu cầu thiết lập vùng cấm bay khi chiến tranh xảy ra và yêu cầu NATO thông qua tư cách thành viên của Ukraine.
Có một điều phải thừa nhận rằng, mặc dù cuộc xung đột Ukraine mang lại cho phương Tây động lực để gắn kết lợi ích nhưng gần đây đã có dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết của các nước phương Tây đang đối mặt với thách thức lớn.
Thách thức đầu tiên là việc thể hiện thái độ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hơn 100 ngày sau chiến dịch quân sự của Nga, tình hình chiến trường thay đổi với việc Ukraine mất thêm nhiều vùng đất. Châu Âu phải gánh chịu hậu quả từ chính các lệnh trừng phạt của mình nhằm vào Nga, đã có nhiều tiếng nói trên truyền thông phương Tây thể hiện sự mệt mỏi với chiến tranh. Người Pháp, Đức và Italy đặt câu hỏi: phải chăng chấm dứt chiến tranh có tốt hơn không? Và họ cũng đặt ra câu hỏi rằng, nếu cỗ máy chiến tranh của NATO được tăng sức mạnh, tình hình liệu có tốt hơn?
Người biểu tình phản đối NATO tại Madrid, Tây Ban Nha (Ảnh: Reuters)
Khi các nhà lãnh đạo NATO thảo luận sôi nổi trong phòng họp của hội nghị thượng đỉnh ở Madrid thì bên ngoài, hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra ở Tây Ban Nha, Đức và Canada. Người biểu tình kêu gọi hòa bình và nhiều người dân tin rằng, sự mở rộng của NATO sẽ không bao giờ mang lại hòa bình cho thế giới.
Ông Salvador, người dân Tây Ban Nha, cho rằng:
"Đối với NATO, tôi nghĩ đó nên là một tổ chức mang lại hòa bình cho thế giới và làm việc với tất cả các bên. Tuy nhiên, họ đang hành động ngược lại để tạo ra xung đột và họ cố gắng làm cho mình mạnh hơn".
Ông Mattis, người dân Đức, cho biết: "Đức và NATO đang tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Trang bị vũ khí cho họ sẽ không giúp gì cho hòa bình thế giới".
Ông Ken Stone, người dân Canada, tuyên bố: "Phong trào của chúng tôi vận động Canada nên rút khỏi NATO bởi nó khiến chúng tôi tiêu hao về mặt quân sự, kiệt quệ về mặt tài chính. Đã đến lúc Canada trở thành một quốc gia độc lập, hành động như một quốc gia độc lập và sử dụng tiền của mình, sử dụng tài nguyên của mình vì lợi ích của người dân".
Một số học giả ở Tây Ban Nha cũng cho rằng, liên minh quân sự như NATO là không cần thiết và các nước thành viên nên tự trông cậy vào nội lực quốc phòng của mình. Nhìn lại lịch sử, chính việc 5 lần mở rộng về phía Đông của NATO đã gây ra sự phản đối từ phía Nga và là một phần nguồn cơn gây ra cuộc chiến trong lòng châu Âu.
"Nếu NATO bị giải thể, sẽ không có chuyện NATO mở rộng và xung đột Nga - Ukraine sẽ không xảy ra. Đây là một yếu tố quan trọng vì những hành động khiêu khích của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và sự mở rộng của NATO đã buộc người Nga phải hành động" - ông Eric Denece, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Pháp, nhận định.
Ông Fernando Colli từ Đại học Vic, Tây Ban Nha, cho rằng: "Các quốc gia thành viên NATO nên thực hiện trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia phù hợp với lợi ích của chính họ. Vai trò duy nhất của NATO là tạo ra xung đột".
Ông Christopher Black, Luật sư Canada, khẳng định: "Việc NATO mở rộng về phía Đông rõ ràng không phải là phòng thủ mà là đang gây hấn".
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra ở Madrid, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đưa thêm quân đội, máy bay và tàu chiến tới châu Âu. Điều này khiến một bộ phận người dân châu Âu lo ngại rằng sẽ khiến châu Âu càng thêm phụ thuộc vào Mỹ. Thêm nữa, cam kết của Tổng thống Biden về việc "bảo vệ mọi inch lãnh thổ đồng minh" trước cái gọi là "nguy cơ từ phía Nga" sẽ đặt an ninh châu Âu trước những diễn biến khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!