NATO ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC SAU 75 NĂM THÀNH LẬP
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kỷ niệm 75 năm thành lập trong lúc phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Giới quan sát nhận định nhiều vấn đề phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này - bao gồm khả năng Pháp sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, lập trường khác biệt của Hungary trong một số vấn đề của liên minh; sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới xung đột Israel - Hamas; ứng dụng an toàn công nghệ kỹ thuật số... Trong khi đó, dư luận châu Âu đã mệt mỏi với cuộc xung đột tiêu hao và dai dẳng tại Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ.
Những thách thức phức tạp ngày càng gia tăng đòi hỏi NATO phải củng cố sự đoàn kết trong khối, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe của các thành viên.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu: "Chúng ta sẽ đưa ra các quyết định cho tương lai về răn đe và phòng thủ, đảm bảo rằng chúng ta có đủ lực lượng, luôn sẵn sàng và khả năng cần thiết để tiếp tục ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm lược nào và cũng đảm bảo rằng các đồng minh tiếp tục gánh vác trách nhiệm một cách công bằng. Chúng ta có những số liệu tốt, hiện có 33 đồng minh chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, tăng từ 3 đồng minh khi họ đưa ra cam kết vào năm 2014".
GS. Charles Kupchan - chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Georgetown, Mỹ - nói: "Tôi cho rằng sẽ có một cuộc trao đổi về khả năng của NATO trong việc bảo vệ các thành viên của khối. Chúng ta có 2 thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan. Điều này đòi hỏi NATO phải cập nhật kế hoạch hành động để bảo vệ lãnh thổ NATO, bao gồm Phần Lan, Estonia và các quốc gia khác giáp Nga, giáp Belarus - một đồng minh của Nga. Sẽ có những vấn đề thực tế được thảo luận tại hội nghị này".
Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh trong lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington, D.C., ngày 9/7 (Ảnh: AFP)
Ông Ian Brzezinski - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách về châu Âu và NATO - cho biết: "Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo có quan điểm xuyên Đại Tây Dương. Câu hỏi được đặt ra là liệu họ có thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng độ tin cậy của liên minh, độ tin cậy của khả năng răn đe và tư thế phòng thủ của liên minh này vẫn vững chắc trong 75 năm tới như 75 năm qua hay không".
XU HƯỚNG MỞ RỘNG MỚI CỦA NATO
Vai trò của NATO từ lâu được hiểu là gắn với an ninh khu vực châu Âu. Bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng cũng đòi hỏi NATO mở rộng tầm nhìn chiến lược ra ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương truyền thống.
Việc NATO mời lãnh đạo 4 nước Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn quốc tới hội nghị cho thấy NATO đang liên kết với các đồng minh và đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO đã mời các đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương nhằm thảo luận về việc mở rộng hợp tác để ứng phó các thách thức mới.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO - nhận định: "Chúng ta sẽ có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo từ những đối tác châu Á - Thái Bình Dương là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh này. Điều này cho thấy vấn đề an ninh của chúng ta không chỉ trong khu vực mà là vấn đề toàn cầu".
Dự kiến các bên sẽ đạt được sự đồng thuận về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng và công nghệ mới nổi, đồng thời sẽ thảo luận về cơ chế tham vấn ứng phó thông tin sai lệch.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập NATO (Ảnh: AFP)
Trước đây, việc mở rộng của NATO thường tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị và an ninh truyền thống và theo chiều ngang về không gian địa lý. Trong thời đại thông tin và sự phát triển của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khi sức mạnh định hình của không gian ảo đối với cục diện quốc tế đã tăng lên, NATO đang mở rộng theo chiều dọc trong lĩnh vực an ninh thông qua tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực an ninh mới nổi.
Bản thân lĩnh vực an ninh mới nổi có thuộc tính quốc tế hóa và thậm chí toàn cầu hóa. Sự mở rộng của NATO trong các lĩnh vực này có thể làm giảm những cản trở đối với sự mở rộng không gian địa lý. NATO cũng có thể định hình một cục diện chính trị và an ninh quốc tế mới thông qua việc thay đổi cấu trúc hạ tầng của khoa học - công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, NATO cũng tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những lĩnh vực an ninh hàng hải, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân. NATO cũng tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn an ninh khu vực như Đối thoại Shangri-La. Liên minh quân sự này cũng thường xuyên tổ chức những cuộc họp cấp cao và đối thoại chính sách với các đối tác trong khu vực, thể hiện cam kết ngày càng sâu sắc nhằm đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế.
Xu hướng NATO mở rộng hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương phản ánh thực tế địa chính trị đang thay đổi. Điều này đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng trong chiến lược của NATO - từ một liên minh tập trung vào khu vực Bắc Đại Tây Dương truyền thống sang một tổ chức có tầm nhìn và vai trò toàn cầu hơn. Tuy nhiên, một số nước châu Á - Thái Bình Dương lo ngại việc tăng cường sự hiện diện của NATO có thể làm gia tăng cạnh tranh chiến lược và căng thẳng trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!